
Phiên họp trực tuyến thường kỳ tháng 9 của Chính phủ (Ảnh - TTXVN)
Bám sát tình hình thực tiễn, Chính Phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để kịp thời ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Đến nay, tình hình đã có chuyển biến tích cực, số ca lây nhiễm trong cộng đồng giảm, đặc biệt là số người tử vong vì Covid 19 giảm mạnh, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát ở phần lớn các địa phương, tiến độ tiêm vắc xin được đẩy nhanh. Quan điểm phòng chống dịch bệnh được điều chỉnh theo hướng: “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh”. Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trọng điểm khu vực phía Nam bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa lại nền kinh tế theo lộ trình nhưng vẫn đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội của người dân từng bước được ổn định trở lại, đây là quyết sách và là nền tảng quan trọng để phục hồi nền kinh tế những tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh nhưng tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm vẫn đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được đảm bảo. Tính chung 9 tháng đầu năm, nền kinh tế của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương 1,42%.

Điểm Cầu huyện Tam Nông
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội phụ thuộc rất lớn vào kết quả phòng, chống dịch COVID-19. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương, đồng thời linh hoạt sáng tạo trong thực hiện chỉ đạo. Củng cố hệ thống y tế từ Trung ương đến cơ sở, trong đó quan tâm hệ thống y tế lưu động để người dân được tiếp cận y tế từ cơ sở, bệnh tình không chuyển nặng. Tiếp tục thực hiện 5K + vaccine, thuốc + công nghệ + ý thức của người dân để phòng, chống dịch hiệu quả. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các ngành, đơn vị khẩn trương hoàn thiện và triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch để thích ứng an toàn với dịch bệnh trong tháng 10/2021; chủ động dự báo, hoàn thiện các kịch bản, phương án phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới; tiếp tục đẩy nhanh tốc độ nhập vaccine và tổ chức tiêm vaccine kịp thời, hợp lý, hiệu quả cho người dân theo thứ tự ưu tiên; xây dựng, áp dụng các chính sách thỏa đáng cho lực lượng tuyến đầu; huy động nguồn lực y tế ngoài công lập vào phòng, chống dịch.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp (Ảnh - TTXVN)
Ngay sau cuộc họp trực tuyến của Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo gấp về khôi phục sản xuất kinh doanh, nội dung này được nêu tại Chỉ thị của Thủ tướng về phục hồi sản xuất kinh doanh ở các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, vừa được Phó thủ tướng Lê Văn Thành thừa lệnh ký ngày 3/10. Các phương án này phải đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19 trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Doanh nghiệp thống nhất với UBND tỉnh, thành phố phương án sản xuất, đi lại, ăn ở của người lao động khi khôi phục sản xuất trong bối cảnh thích ứng với Covid 19. UBND các tỉnh, thành phố lập tổ công tác phục hồi sản xuất để triển khai kế hoạch, thông qua phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm vừa duy trì sản xuất, vừa an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Lao động tại các doanh nghiệp cần được địa phương ưu tiên tiêm vaccine; một số dịch vụ cần thiết có thể xem xét cho mở lại, phương án di chuyển của người lao động giữa các địa phương cần được lên phương án thống nhất để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. "Các tỉnh, thành cần tạo điều kiện thuận lợi khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là tại các địa phương dịch bệnh còn diễn biến phức tạp", chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ./.
Hải Đăng