
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp
Tại hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng họp vào tháng 10/1930 đã ra nghị quyết về thành lập “Tổng Nông hội Đông Dương” và thông qua Điều lệ của Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay). Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam, sự trưởng thành và lớn mạnh của phong trào nông dân, lần đầu tiên giai cấp nông dân có đoàn thể cách mạng của mình, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Ngay từ đầu những năm 1930, giai cấp nông dân và quần chúng cách mạng Việt Nam đã vùng lên đấu tranh anh dũng ở khắp các miền Bắc – Trung – Nam mà đặc biệt đỉnh cao là cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, đây là bước tập duyệt mở đầu cho tiến tới cuộc tổng khởi nghĩa giành thắng lợi tháng 8 năm 1945.
Đất nước vừa giành được độc lập, nhân dân ta lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược đầy gian khổ hy sinh. Hàng chục vạn thanh niên nông thôn, nông dân lên đường tòng quân diệt giặc, hàng triệu nông dân vừa sản xuất, vừa đóng góp sức người, sức của phục vụ tiền tuyến, sau 9 năm kháng chiến trường kỳ cả dân tộc ta đã làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ” ngày 07/5/1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, chấm dứt gần 80 năm đô hộ của thực dân Pháp.
Miền Bắc được giải phóng nhưng đồng bào miền Nam vẫn sống dưới ách thống trị của chính sách thực dân mới là đế quốc Mỹ. Một lần nữa hàng triệu con em nông dân miền Bắc lên đường nhập ngũ vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ với khẩu hiệu “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” giai cấp nông dân miền Bắc “ Vững tay cày, chắc tay súng” “ Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” “tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược” với quyết tâm cao của quân và dân cả nước, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã giành thắng lợi huy hoàng, ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Nông dân cả nước phấn khởi hăng say lao động sản xuất, tổng sản lượng lương thực tăng nhanh. Từ một đất nước thiếu lương thực trầm trọng, đã vượt lên đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu gạo và nhiều mặt hàng nông, thuỷ sản ra nước ngoài. Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh, quốc phòng được giữ vững và ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân nói chung, nông dân nói riêng nâng cao rõ rệt, bộ mặt nông thôn không ngừng được khởi sắc, đó là những đóng góp to lớn của giai cấp nông dân tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Qua mỗi thời kỳ cách mạng của Đảng, tổ chức Hội có những tên gọi khác nhau. Quá trình đổi tên gọi của Hội là để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của Đảng trong từng thời kỳ. Mặc dù tên gọi của Hội ở mỗi thời kỳ có khác nhau, song tổ chức Hội Nông dân Việt Nam luôn phát huy tính cách mạng, thể hiện rõ vị trí của mình trong việc tập hợp, đoàn kết, vận động nông dân tích cực tham gia vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Đến nay, Hội Nông dân Việt Nam đã qua 07 kỳ Đại hội: Đại hội lần thứ I (nhiệm kỳ 1988 – 1993); Đại hội lần thứ II (nhiệm kỳ 1993 – 1998); Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 1998 – 2003); Đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 2003 – 2008); Đại hội lần thứ V (nhiệm kỳ 2008 – 2013); Đại hội lần thứ VI (nhiệm kỳ 2013 – 2018); Đại hội lần thứ VII (nhiệm kỳ 2018 – 2023).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân huyện Tam Nông đã kế tục và phát huy truyền thống cách mạng, một lòng một dạ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phấn đấu vượt qua gian khó, anh dũng hy sinh trong công cuộc giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong cách mạng dân tộc, dân chủ, nông dân trong huyện đã tham gia nhiều phong trào đấu tranh cách mạng, chống áp bức bóc lột nặng nề của chế độ thực dân phong kiến, tham gia các lực lượng dân quân du kích, lực lượng vũ trang, vừa kháng chiến vừa thi đua lao động sản xuất, xây dựng hậu phương vững chắc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, cùng với cả nước làm nên chiến công hiển hách.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hội Nông dân huyện đã tuyên truyền, vận động nông dân hăng hái sản xuất phát triển kinh tế xây dựng hậu phương vững chắc, tích cực chi viện cho miền Nam, hàng nghìn con em nông dân lên đường nhập ngũ, nhiều người đã hy sinh, để lại một phần thân thể ở chiến trường miền Nam.
Đất nước thống nhất non sông liền một dải, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, giai cấp nông dân, tổ chức Hội nông dân trong huyện tập trung cao độ vào phát triển kinh tế - xã hội, nhiều phong trào hành động cách mạng của nông dân tạo thành phong trào quần chúng sôi nổi, đem lại hiệu quả ngày càng cao.
Cùng với sự lớn mạnh của tổ chức Hội Nông dân Việt Nam, trong những năm qua Hội Nông dân huyện đã không ngừng phát triển, công tác hội và phong trào nông dân ngày càng khởi sắc và thu được nhiều kết quả tích cực.
Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng và vận động nông dân được các cấp Hội tổ chức triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm đã trở thành động lực thúc đẩy hội viên, nông dân gắn bó chặt chẽ với tổ chức Hội, các cấp Hội đã tăng cường, đổi mới về hình thức và phương pháp tuyên truyền, vận động, thông qua hội nghị tập huấn chuyên đề, sinh hoạt định kỳ, tổ chức hội thi, cuộc thi tìm hiểu, tọa đàm, gặp mặt, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, hội viên nông dân.
Công tác củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở hội được chú trọng, chất lượng hoạt động của chi, tổ hội và chất lượng hội viên được nâng lên. Toàn huyện hiện có 14.482 hội viên nông dân, chiếm trên 99,08% so với hộ nông nghiệp, sinh hoạt tại 148 chi hội, ở 12 xã, thị trấn có tổ chức cơ sở Hội.
Các hoạt động hỗ trợ, tư vấn giúp nông dân phát triển sản xuất, nhận ủy thác vốn vay ngân hàng CSXH, xây dựng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, tập huấn chuyển giao KHKT, xây dựng các mô hình trình diễn, mô hình liên kết trong sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn được đẩy mạnh ở tất cả các cấp Hội.
Các phong trào thi đua do Hội phát động như: Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh được các cấp Hội triển khai sâu rộng, đặc biệt là phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã trở thành phong trào cách mạng của giai cấp nông dân, thu hút được đông đảo các hộ nông dân hưởng ứng tham gia.
Phát huy vai trò của tổ chức Hội, các cấp Hội và cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020) là dịp để mỗi cán bộ, hội viên nông dân ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của giai cấp nông dân, tổ chức Hội Nông dân Việt Nam và những đóng góp to lớn của nông dân huyện Tam Nông đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ, Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ, sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền, các cấp, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức Hội và giai cấp nông dân huyện nhà nhất định giành được nhiều thắng lợi trong công tác hội và phong trào nông dân trong những năm tiếp theo./.
Triệu Quang Lực