
Đền thờ Lý Nam Đế nhìn từ trên cao
Trong lịch sử nước nhà, Vua Lý Nam Đế là người đầu tiên xưng Đế ở nước Nam. Lý Nam Đế cũng là người đầu tiên nhận ra vị trí trung tâm đất nước của vùng đất Hà Nội xưa. Ông tên Lý Bí (còn có tên gọi khác là Lý Bôn). Ông sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (tức ngày 17 tháng 10 năm 503) tại thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Ngay từ nhỏ, Lý Bí đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, tư chất khác người. Một hôm, có một vị Pháp tổ thiền sư đi ngang qua, trông thấy Lý Bí khôi ngô, tuấn tú liền xin Lý Bí đem về chùa nuôi dạy. Sau hơn 10 năm đèn sách chuyên cần, Lý Bí trở thành người học rộng, hiểu sâu. Nhờ có tài văn võ, Lý Bí được tôn lên làm thủ lĩnh địa phương. Sau khi dấy binh khởi nghiệp đánh tan quân xâm lược nhà Lương, đến tháng giêng năm 544 Lý Bí chính thức lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Lý Nam Việt Đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, đặt Quốc hiệu là Vạn Xuân thể hiện mong muốn xã tắc truyền đến muôn đời.
Mùa xuân năm 545, nhà Lương đưa quân trở lại xâm lược, kinh đô thất thủ, Lý Nam Đế phải đưa quân lui về vùng Khuất Lão củng cố lực lượng, đến mùa thu năm 546 vua đưa quân ra nghênh địch ở hồ Điển Triệt (khu vực xã Tứ Yên, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc bây giờ), do lực lượng non yếu hơn lại không phòng bị, bị quân Lương đánh úp, nhà vua lui về động Khuất Lão trao lại binh quyền cho Triệu Quang Phục tiếp tục kháng chiến. Ngày 20/3( tức ngày 23/4 dương lịch) năm 548, Vua Lý Nam Đế qua đời, thọ 46 tuổi. Mặc dù Ông chỉ làm vua trong 5 năm nhưng Ông là người đã có công lập nên nước Vạn Xuân , lập ra nhà tiền Lý- triều đại được thành lập sớm nhất ở nước ta và có công khẳng định độc lập, chủ quyền lãnh thổ đối với các triều đại phong kiến đương đại lúc bấy giờ.

Tượng Đức Vua Lý Nam Đế
Vua Lý Nam Đế mất, thi hài ông được an táng tại Gò Cổ Bồng. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, lăng mộ của ông được nhân dân chăm sóc và thờ tự.
Năm 2010, được sự đồng ý của UBND tỉnh Phú Thọ, UBND huyện Tam Nông đã tiến hành phục hồi xây dựng lại lăng mộ, đền thờ Vua trên nền móng cũ tại Gò Cổ Bồng nhằm tôn vinh vị Hoàng đế đầu tiên của dân tộc, cho xứng tầm với công lao to lớn của Đức Vua và các tướng sỹ. Đền thờ Lý Nam Đế cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 20 km về phía Tây.
Đền thờ Lý Nam Đế được tôn tạo, xây dựng tại địa điểm gò Cổ Bồng thuộc làng Văn Lang, xã Văn Lương (nay thuộc khu hành chính số 10, xã Vạn Xuân) gắn với địa danh động Khuất Lão hiện nay có tổng diện tích đất trên 5 ha. Mặt bằng tổng thể Khu di tích đền thờ gồm các hạng mục kiến trúc như: Đường vào, Nghi môn, ban thờ Thần linh, Đền thờ và Lăng mộ, tòa Hậu cung, Tả vu, Hữu vu, sân vườn, ao sen cùng một số hạ tầng kỹ thuật khác.

Lối lên xuống Đền thờ
Mở đầu cho khuôn viên đền thờ Lý Nam Đế là lối lên xuống được xây dựng bằng đá, ở giữa có bức tranh bằng đá “Cửu long tranh Châu”, 2 bên có 2 con Rồng chầu, tất cả được xây dựng bằng đá xanh Thanh Hoá.
Tiếp đó là Nghi môn tứ trụ (trong lịch sử kiến trúc truyền thống, Nghi môn tứ trụ là sản phẩm của cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, biểu hiện cho ước vọng nông nghiệp) được xây dựng theo kiểu dáng truyền thống với 2 trụ lớn trên đỉnh đắp 4 hình chim phượng nhìn ra 4 phía, chống đuôi vào nhau theo kiểu lá lật. Hai trụ nhỏ đỉnh đắp hình lân trong tư thế chầu vào.
Năm 2010, khu lăng mộ được tôn tạo lại với kiến trúc theo lối “Tiền nhất, hậu nhất” gồm 2 tòa: Tiền tế và lăng mộ. Tòa Tiền tế 1 gian 2 chái, kiểu nhà 4 mái, dâng đao 4 góc; Khu Lăng mộ 2 gian 1 chái, tiền đao hậu đốc. Bộ vì nóc kiểu thượng giá chiêng, vì nách kiểu cốn mê chạm Tứ linh và kẻ ngồi. Nội thất kiến trúc trang trí diềm cửa võng, hoành phi câu đối, bài trí thờ tự uy nghi, lộng lẫy. Yên vị tại gian phía trong cùng là phần mộ Lý Nam Đế hình khối chữ nhật tạo vòm cao dần về phía trong, hai bên đắp hình rồng chầu.
Bệ thờ do dân làng Văn Lang xây dựng năm 2006 để hương khói thờ cúng tưởng niệm Lý Nam Đế. Bệ thờ lộ thiên không mái che, bệ thờ xây xi măng, phía trên đắp nổi chữ Thiên Đức (Niên hiệu của Lý Nam Đế).
Vào Năm 2018 huyện Tam Nông tiếp tục cho tu bổ, tôn tạo và xây dựng tòa Hậu cung với bố cục mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm hai tòa: Đại bái và Hậu cung. Tòa Đại bái 5 gian 2 chái, kiểu nhà 4 mái, dâng đao cong 4 góc mái, phía trước tạo 3 khuông cửa bức bàn kiểu thượng song hạ bản, cửa sổ kiểu chữ Thọ tròn. Trên tầng mái, bờ nóc đắp “Lưỡng long chầu nhật”, thân rồng uốn lượn, hổ phù càm chữ Thọ đội mặt nhật có tia lửa tỏa ngược. Tòa Hậu cung 3 gian, 1 chái, kiểu nhà hai mái, tường hồi bít đốc. Bộ khung vì bằng gỗ lim, kết cấu 4 hàng chân cột, nền lát gạch bát, mái lợp ngói mũi hài phục chế. Các bộ vì nóc theo lối thượng giá chiêng - hạ kẻ, vì nách kiểu chồng kẻ ngồi, góc xối kiểu cột trốn - chồng rường. Các thức kiến trúc gỗ hệ khung vì được bào trơn, đóng bén, mộng sàm chặt khít, chạm nổi cách điệu họa tiết vân mây, đao lửa.
Chính điện giữa có ban thờ đặt tượng Lý Nam Đế ngồi trên ngai bằng đồng đỏ nặng hơn 410kg, thể hiện tướng mạo oai phong, lẫm liệt, đầu đội mũ vương, mình khoác long bào, hai tay kết ấn. Phía sau tượng thờ là bức chạm Cửu long tranh châu chạm lộng hình 9 con rồng uốn lượn.
Tả vu, Hữu vu: Mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Nhất, 3 gian, kiểu nhà hai mái, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bộ vì kiểu “Thượng giá chiêng - hạ bảy”, mặt chính diện tạo 3 khuông cửa bức bàn thượng song hạ bản.
Nơi thờ tự Lý Nam Đế đã khá khang trang, bề thế, được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận là Di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào tháng 12/2020.
Hàng năm, tại di tích đền thờ, lăng mộ Vua Lý Nam Đế và Đình Danh Hựu xã Vạn Xuân, chính quyền và nhân dân địa phương đều tổ chức các ngày lễ và ngày cầu như : một năm có 04 ngày cầu.Trong các kỳ cầu, lễ tháng Giêng (từ mùng 4 đến mùng 7) kỷ niệm ngày Vua ra quân là lớn nhất, đông vui nhất và có nhiều trò chơi vui khỏe, khéo léo mang tính chất hội làng vào dịp đầu xuân. Ngày 12/3 kỷ niệm ngày Vua lên ngôi. Ngày 20/3 âm lịch- ngày Vua mất tổ chức lễ hội tưởng niệm Vua Lý Nam Đế phù hợp theo phong tục, tập quán truyền thống của người Việt. Và ngày 12/9 kỷ niệm ngày Vua sinh.
Di tích Đền thờ Vua Lý Nam Đế và lăng mộ của Ngài có ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hóa tâm linh đặc biệt quan trọng bởi lòng tôn kính, tri ân công đức người có công giữ nước của dân tộc Việt Nam, đồng thời phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Huyện Tam Nông đang tiếp tục tu bổ, tôn tạo để xây dựng Di tích ngày một khang trang hơn, xây dựng hồ sơ khoa học để nghị công nhận cụm di tích Đền thờ Lý Nam Đế, Đình Danh Hựu tại xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông trở thành di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia để trở thành một điểm du lịch tâm linh lớn của huyện Tam Nông và của tỉnh Phú Thọ. Di tích đền thờ Lý Nam Đế và các địa danh lịch sử liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lý Bí trên địa bàn xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông đã và đang trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn đối với Nhân dân, du khách thập phương trong Tour du lịch về với cội nguồn các dân tộc Việt Nam của tỉnh Phú Thọ./.
Hải Đăng (ST)