Tam Nông là huyện miền núi, nằm ở phía Tây Nam tỉnh Phú Thọ, diện tích tự nhiên 15.596,92 ha, dân số trên 82.000 người. Toàn huyện có 20 đơn vị hành chính trực thuộc huyện, bao gồm 19 xã và 01 thị trấn, với 172 khu dân cư (trong đó 17 xã, thị trấn miền núi; 03 xã, 13 khu thuộc vùng khó khăn trong chương trình 135 của Chính phủ); toàn huyện có 20 dân tộc (Kinh, Tày, Thái, Mường, Hoa, Nùng, H.Mông, Dao, Sán Chung, Co Ho, Thổ, Tà Ôn, La Chí, Lô Lô), trong đó dân tộc Kinh 74.958 người, các dân tộc khác 511 người (theo số liệu thống kê năm 2009). Đảng bộ huyện có 42 cơ sở đảng với 5.624 đảng viên (tính đến tháng 12/2012).
Huyện Tam Nông có vị trí, địa lý, kinh tế thuận lợi, được tỉnh và Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu công nghiệp tạo điều kiện cho sự phát triển chung của huyện. Cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, tập trung sức lực và trí tuệ xây dựng huyện Tam Nông ngày càng giàu đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chủ trương lớn của tỉnh cũng như của huyện đề ra, tích cực lao động sản xuất tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
Địa hình của huyện thể hiện những nét đặc trưng của một vùng bán sơn địa. Với diện tích đất đai, tài nguyên, cho phép huyện có khả năng phát triển nông nghiệp đa dạng, phong phú, có khả năng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đa dạng hoá cây trồng vật nuôi. Mặt khác, xuất phát từ tiềm năng đất đai và tài nguyên, cùng hệ thống giao thông thuận lợi, huyện Tam Nông có nhiều lợi thế phát triển sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại. Những năm qua, kinh tế của huyện đã từng bước phát triển trên nhiều lĩnh vực như: sản xuất lương thực, thuỷ sản, chăn nuôi bò thịt, phát triển vùng nguyên liệu giấy, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng sơn mài, mây tre đan, nghề mộc gia dụng..., cơ sở hạ tầng khu công nghiệp đã được hình thành và đầu tư phục vụ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Với lợi thế là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, nối liền với các tỉnh phía Tây Bắc của Tổ quốc. Nằm trong vùng tam giác của 03 con sông: sông Hồng, sông Đà và sông Bứa bao bọc, mảnh đất Tam Nông có nhiều làng Việt cổ gắn liền với thời đại Hùng Vương, đây là một thời kỳ đã “Xuất hiện trên đất nước ta một nền văn hóa khá cao, một nền văn minh nông nghiệp rực rỡ”. Chính vì thế, huyện Cổ Nông xưa - Tam Nông ngày nay vẫn còn lưu tích nhiều dấu ấn cội nguồn dân tộc. Nơi đây còn khá nhiều ngôi Đình, Đền, Chùa, Miếu… thờ Đức Thánh Tổ Hùng Vương cùng các Bộ tướng của ngài. Bên cạnh đó ở Tam Nông cũng tồn tại rất nhiều truyền thuyết, sự tích và những lễ hội cổ truyền mang đậm yếu tố văn hóa cổ xưa. Các làng xã ở đây còn là những nơi in dấu ấn lịch sử của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, cuộc khởi nghĩa của Lý Nam Đế, rồi phong trào Cần Vương do Nguyễn Quang Bích lãnh đạo… Ngày nay, Tam Nông đang trên đường đổi mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, tăng thu nhập bình quân đầu người, đồng thời Tam Nông rất quan tâm xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần và động lực phát triển kinh tế xã hội.