Các phòng, cơ quan thuộc UBND huyện và UBND xã, thị trấn trong huyện có mạng LAN và kết nối Internet, tỉ lệ máy tính/cán bộ công chức ở cấp huyện đạt 92%, ở cấp xã đạt 40,9%. Đến nay, 100% phòng, cơ quan thuộc UBND huyện và UBND xã, thị trấn được cung cấp một địa chỉ thư công để tác nghiệp, gửi, nhận văn bản; 100% cán bộ, công chức cấp huyện có địa chỉ thư điện tử; 14,3% cán bộ cấp xã (Chủ tịch, các phó Chủ tịch UBND xã, thị trấn) có địa chỉ thư điện tử để làm việc.
Hàng năm, UBND huyện Tam Nông đều xây dựng kế hoạch thực hiện, bố trí nguồn ngân sách cho nâng cấp cơ sở hạ tầng, tập huấn, ứng dụng CNTT; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện ứng dụng CNTT của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức. Theo kết quả khảo sát, đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh Phú Thọ năm 2013; Tam Nông đứng ở vị trí 14/39 đơn vị được đánh giá, với những kết quả rất khả quan, như: 100% các văn bản của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương; văn bản do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh ban hành được gửi đến các phòng, cơ quan thuộc UBND huyện và UBND xã, thị trấn qua hệ thống thư điện tử; 98% văn bản của UBND huyện, các phòng, cơ quan trực thuộc UBND huyện được gửi đến xã, thị trấn đồng thời qua đường bưu điện và qua hệ thống thư điện tử; 100% các phòng, cơ quan thuộc UBND huyện và UBND xã, thị trấn có hệ thống mạng nội bộ (LAN) hoạt động ổn định; ứng dụng CNTT của đội ngũ cán bộ công chức đã vượt giai đoạn sử dụng máy để soạn thảo văn bản; các ứng dụng dùng chung từng bước được triển khai, nhân rộng, các ứng dụng chuyên ngành được các phòng, cơ quan và UBND xã, thị trấn đẩy mạnh vào phục vụ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; Trang thông tin điện tử của huyện đang được chạy thử nghiệm và chính thức ra mắt vào đầu tháng 8/2014.
Tuy nhiên, trong quá trình chỉ đạo thực hiện ứng dụng CNTT trên địa bàn huyện vẫn còn có những khó khăn: Trình độ tin học của đội ngũ cán bộ cấp xã còn hạn chế, kiến thức và hiểu biết về của họ chủ yếu chỉ được trang bị một phần qua các khóa đào tạo của UBND huyện, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổ chức, một phần do cá nhân tự tham khảo, học hỏi nên kỹ năng về CNTT của đa số cán bộ còn chưa được chuyên sâu, nhiều thuật ngữ, cùng các kỹ thuật máy tính phức tạp chưa nắm bắt được. Mặt khác, hạ tầng máy vi tính của các phòng, cơ quan thuộc UBND huyện, UBND xã, thị trấn được trang bị lâu, cấu hình thấp, xuống cấp, nhiều đơn vị còn thiếu máy vi tính để thực hiện nhiệm vụ; việc kết nối và sử dụng Internet ở UBND huyện, UBND xã, thị trấn sử dụng mạng ngang hàng; an toàn, an ninh thông tin chưa được các đơn vị nhận thức đầy đủ; công tác đào tạo, công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công chức cấp xã về CNTT chưa chuyên sâu...
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành tại các cơ quan Nhà nước huyện, UBND huyện đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Đối với công tác quản lý, việc nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sử dụng các thiết bị tin học là điều kiện cần và đủ đối với người quản lý. Lãnh đạo các cơ quan phải là người tiên phong, gương mẫu trong việc tự trau dồi vốn kiến thức tin học và kỹ năng ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành, đồng thời động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ tích cực tự học để trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản nhất về CNTT, đặc biệt sử dụng hiệu quả hệ thống thư điện tử và phần mềm quản lý văn bản. Các phần mềm ứng dụng vào công tác quản lý như: Quản lý kế toán, quản lý đất đai, quản lý nhân sự ... và các hoạt động khác bằng hệ thống các thư mục được sắp xếp khoa học trong máy tính. Từ đó, đánh giá kết quả ứng dụng CNTT thành tiêu chí để đánh giá thi đua của các cơ quan, đơn vị.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải tập trung vào việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức thấy rõ hiệu quả và yêu cầu mang tính tất yếu của ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc thông qua việc triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và của huyện về ứng dụng CNTT. Chú trọng mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức về ứng dụng CNTT và sử dụng các thiết bị viễn thông, tin học.
Công tác xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cần có sự chỉ đạo tích cực của lãnh đạo các cấp, sự cố gắng, nỗ lực của từng cơ quan, đơn vị, hàng năm phải dành một phần kinh phí nhất định cho công tác đào tạo, bảo trì, bảo dưỡng máy tính, kinh phí duy trì tốc độ đường truyền Internet; mua các phần mềm ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và giải quyết các nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời động viên cán bộ, công chức tự trang bị máy vi tính cá nhân. Phấn đấu đến năm 2015, 100% cán bộ, chức cấp huyện và 60 - 70% công chức cấp xã có máy vi tính để giải quyết công việc.
Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong chỉ đạo điều hành, nhằm đổi mới phương pháp làm việc, nâng cao chất lượng công việc, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị của các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện; do vậy, cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban, ngành, các đoàn thể chính trị trong huyện, đồng thời lấy kết quả khai thác tài nguyên trên Internet và ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc của cán bộ, công chức làm thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, là tiêu chí để bình xét thi đua đối với cán bộ, công chức hàng năm.
Ứng dụng CNTT đòi hỏi phải có nhân lực, vật lực phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nhiệm vụ của công việc của các cơ quan, đơn vị. Do đó, việc quan tâm phát triển nhân lực là yếu tố hàng đầu cùng với các giải pháp cụ thể để thúc đẩy sự phát triển về kỹ năng sử dụng cũng như các tính năng ứng dụng trong từng công việc. Tiếp tục nâng cao nhận thức, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức về tầm quan trọng, tính hữu ích của CNTT trong giải quyết công việc, thực hiện nhiệm vụ. Từ đó để cán bộ, công chức tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ tin học, các kỹ năng sử dụng CNTT và các trang thiết bị viễn thông, CNTT nhằm đáp ứng yêu cầu của công việc trong giai đoạn mới.
Hán Minh Hải - Trưởng phòng VH-TT