
Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ xã Hiền Quan
Theo truyền thuyết, thời Hùng Vương Hiền Quan có tên là Trang Song Quan, thuộc bộ Văn Lang - trung tâm của nước Văn Lang. Thời Lý - Trần, làng Hiền Quan thuộc huyện Cổ Nông, châu Chân Đăng, lộ Tam Giang. Thời vua Lê Vĩnh Thịnh (1705 - 1720) huyện Cổ Nông đổi tên thành huyện Tam Nông; địa bàn Hiền Quan lúc này thuộc huyện Tam Nông, phủ Lâm Thao, tỉnh Sơn Tây. Năm 1831 nhà Nguyễn chuyển huyện Tam Nông về thuộc tỉnh Hưng Hoá.
Ngày 8/9/1891, thực dân Pháp thành lập tỉnh Hưng Hóa mới, đặt trung tâm tỉnh lỵ tại làng Trúc Phê (huyện Tam Nông). Ngày 5 tháng 5 năm 1903, toàn quyền Đông Dương ra nghị định dời tỉnh lỵ Hưng Hóa về làng Phú Thọ và đổi tên thành tỉnh Phú Thọ, Hiền Quan lúc đó là 1 trong 6 làng (gồm các làng Hiền Quan, Gia Áo, Hương Nha, Gia Dụ, Thu Trường và Vực Trường) của tổng Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Cách mạng tháng Tám thành công, Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa quyết định xóa bỏ cấp tổng, mở rộng phạm vi cấp xã, thay tên làng bằng thôn; Hiền Quan thuộc liên xã Cộng Hòa gồm 4 thôn là Hiền Quan, Gia Dụ, Thu Trường, Vực Trường.
Năm 1954, thôn Hiền Quan được tách từ liên xã Cộng Hòa để thành lập xã mới gồm các xóm: xóm Phường, xóm Miễu, xóm Đình, xóm Chùa, xóm Đình Ngang, xóm Mỏ Sẻ, xóm Đồng Ghềnh, xóm Trũng Cán, xóm Thượng Long; 3 xóm đồng bào công giáo là xóm họ Bãi, xóm họ Giữa và xóm họ Lũng.
Năm 1968, Quốc hội khóa III nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra nghị quyết sáp nhập 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú; xã Hiền Quan thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Vĩnh Phú. Ngày 5 tháng 7 năm 1977, Chính phủ ra nghị định hợp nhất 2 huyện Tam Nông và Thanh Thủy thành huyện Tam Thanh; xã Hiền Quan thuộc huyện Tam Thanh, tỉnh Vĩnh Phú.
Ngày 26 tháng 11 năm 1996, kỳ họp thứ mười - Quốc hội khóa IX thông qua Nghị quyết về việc chia tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ; xã Hiền Quan thuộc huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ.
Ngày 24 tháng 7 năm 1999, Chính phủ ra Nghị định số 59-NĐ/CP chia huyện Tam Thanh thành 2 huyện Tam Nông và Thanh Thủy, xã Hiền Quan thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Hiền Quan thuộc vùng đất thấp, đồi gò của huyện Tam Nông; địa hình chia thành 2 vùng rõ rệt. Vùng đồng thấp chạy dọc theo ven để sông Thao, kéo dài từ làng Gia Áo đến làng Gia Dụ bao gồm nhiều cánh đồng, trong đó có một số chân ruộng "đăng điền" mầu mỡ như đồng Phần, đồng Cửa Đình, đồng Đám đồng Thông Cốc, đồng Đầu Cầu. Các cánh đồng này hằng năm được sông Thao bồi đắp thêm phù sa, phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của lúa, màu. Bên cạnh đó, xã còn một diện tích đáng kể những cánh đồng vừa nuôi cá, vừa cấy lúa như đồng Xuôi, đồng Nòng, đồng Chuôm... còn lại là hồ ao và đồng nước có thể nuôi cá, thả sen, trong đó đồng Song có diện tích lớn nhất.
Vùng gò đồi nằm về phía Tây chiếm tỷ lệ diện tích khá lớn. Vùng này chủ yếu là đồi gò thấp, bao gồm nhiều quả đòi gò tròn nối tiếp nhau như đồi rừng Cấm, Cổng Thang, gò Cao, gò Con Mai, gò Chanh, gò Tròn. Chất đất ở đây chủ yếu là đất pha cát, có xen lẫn sỏi nhỏ và vàng, độ dinh dưỡng thấp, lại bị sói mòn nên cằn cỗi. Trước đây, nhân dân chủ yếu trồng cọ, trầu, sở, dọc, trám; sau cải tạo trồng sắn, lạc, đỗ, đậu hoặc trồng xen mầu khác, thậm chí nhiều chỗ còn bỏ hoang rậm thả trâu bò. Trước cách mạng Tháng 8 năm 1945, vì thiếu ruộng đất nên nhân dân một số xóm đã phải đi làm ruộng xâm canh ở một số xã bạn.
Nguồn sống chính của nhân dân địa phương là làm nghề nông, sản phẩm chủ yếu là lúa, sắn, ngô, khoai, đỗ đậu và một số loại rau màu khác. Một số gia đình trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lấy gỗ trên đồi, trong vườn nhà như cây, chè, sở, trầu; vai, nhãn, chuối, hồng, na, mít, mận, mơ, chanh, bưởi...; xoan, mít và sơn (của một số gia đình làm xâm canh); đặc biệt là tre, mai, bương, diễn. Vì vậy, Hiền Quan có nghề đan lát đồ dùng sinh hoạt trong gia đình (rổ, rá, nong, nia, thúng, mủng, dần, sàng..), đồ đánh cá (nơm, đó, lờ, dậm...) từ rất sớm và sau này có thêm nghề chấp dang se chạc, đan bu, đan rọ...
Việc chăn nuôi chưa phát triển, chủ yếu là nuôi trâu, bò để lấy sức cày kéo và phân bón; nuôi gà vịt cải thiện đời sống. Một số gia đình có điều kiện đào ao thả cá nhưng nhỏ lẻ. Nguồn thực phẩm do nhân dân tự kiếm là chính. Về mùa nước, dân làng dùng lưới, nơm, dậm, riu, bơm, tát, thả lờ, câu cá, tôm, cua, ốc, lươn, ếch ...một phần để ăn, một phần đem bán lấy tiền chi tiêu. Bên cạnh làm ruộng, một số hộ làm nghề thủ công như đan lát, làm quà bánh, ép dầu, rèn sắt, nghề mộc..
Chợ Hiền Quan (thường gọi chợ Hiền) hình thành tương đối sớm. Chợ họp một tháng 6 phiên. Vào các ngày phiên chợ, bà con trong và ngoài vùng đem bán một phần nông sản thực phẩm, một số mặt hàng thủ công tự làm ra, mua về các loại nhu yếu phẩm cần thiết như: nông cụ, vải vóc, quần áo, muối mắm, cá khô, kim chỉ, dầu thắp, thuốc lào... Tuy hàng hóa còn đơn sơ, chất lượng, mẫu mã sản phẩm còn nghèo, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhưng việc họp chợ những năm trước cách mạng tháng Tám cũng tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội ở địa phương sự chuyển biến.
Về hệ thống đường giao thông. Thời Pháp thuộc, ngoài đoạn đường quốc lộ 11A (nay là 315A) dài khoảng 3 - 4 km chạy qua làng, nhân dân tự tạo một số con đường mòn men theo chân đồi, bờ ngòi, bờ đê. Vì vậy, việc đi lại, chuyên chở hàng hóa bằng đường bộ không thuận lợi. Nhưng do nằm sát bên bờ sông Thao nên dân làng sử dụng đường sông xuôi giao lưu với các vùng lân cận. ngược,
Nhìn chung, trước cách mạng Tháng Tám, Hiền Quan là xã nghèo, kinh tế thuần nông, sản xuất manh mún, tự túc tự cấp là chính. Ngoài một số nguyên nhân như trình độ kỹ thuật, phương thức canh tác lạc hậu, thời tiết không thuận, giao thông thủy lợi kém, tư tưởng bảo thủ, thì nguyên nhân chính là do chế độ áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân xã Hiền Quan đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, không sợ mất mát hy sinh để giành được những thắng lợi rất đáng tự hào, đó là tham gia giành chính quyền trong cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ ách thống trị của thực dân phong kiến, xây dựng chế độ mới; vừa xây dựng hậu phương ngày càng vững mạnh, vừa tích cực đóng góp sức người, sức của cho các chiến dịch đến thắng lợi.
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ tổ quốc và nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ động viên nhân dân tiếp tục phát huy thuận lợi, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, vượt qua khó khăn, thách thức và đã giành được nhiều kết quả đáng phấn khởi trên tất cả các mặt của đời sống xã hội và có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung của quê hương, đất nước.

Đồng chí Nguyễn Hồng Khanh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện phát biểu chỉ đạo và tặng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Hiền Quan lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (ngày 30/5/2020)
Tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Hiền Quan nhiệm kỳ 2015 - 2020 cho thấy: Tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của xã ước đạt 94,7 tỷ đồng; tăng 56,5 tỷ so với năm 2015; bình quân thu nhập đầu người đạt 30,5 triệu đồng/năm, tăng 5,5 triệu đồng/năm so với mục tiêu Nghị quyết. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đã thu hút được nhiều lao động trong xã, giải quyết nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho người dân. Toàn xã có 570 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ, tăng 57 hộ so với nhiệm kỳ trước; tập trung chủ yếu vào dịch vụ thương mại, hàng tạp hoá, chế biến đồ gỗ, nội thất, mở rộng các dịch vụ xây dựng, dịch vụ vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải phát triển. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản đạt 224,7 tỷ đồng.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước phát triển tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên. 3/3 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân thường xuyên được chú trọng, thực hiện tốt các chương trình y tế Quốc gia và công tác vệ sinh phòng bệnh.
Đến nay toàn xã có 80% số người mua và được cấp BHYT. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Hằng năm, các khu dân cư đều tổ chức đăng ký và bình xét khu dân cư tiên tiến, gia đình văn hoá, số gia đình đạt gia đình văn hóa là 88%,(vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra là 5%). Thực hiện tốt các chế độ hỗ trợ, công tác vận động đối với người nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo ở xã giảm chỉ còn 6,08%, giảm 8,22% so với nhiệm kỳ trước.
Công tác xây dựng Đảng thường xuyên được chú trọng và triển khai thực hiện có nề nếp, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống tổ chức chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên được củng cố và phát triển. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, trình độ, năng lực của đại biểu HĐND được nâng lên. Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND đi vào nề nếp, MTTQ và các đoàn thể Nhân dân đã có sự đổi mới nội dung và phương thức hoạt động gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và các phong trào của địa phương.