Khi tái lập, huyện Tam Nông có diện tích tự nhiên là 15.659 ha, gồm 20 đơn vị hành chính cấp xã với 79.112 nhân khẩu; có 44 tổ chức cơ sở đảng, 4.016 đảng viên. Hoạt động của bộ máy tổ chức và cán bộ có nhiều thay đổi, vừa mới lại vừa thiếu; hạ tầng cơ sở xuống cấp nghiêm trọng, kinh tế của huyện vẫn đang trong giai đoạn chuyển mình theo cơ chế mới, chưa có nhiều thành tựu và chưa tạo được bước đi đột phá, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, song, ngay sau khi tái lập, huyện Tam Nông đã nhanh chóng triển khai các mặt công tác, ổn định tình hình tư tưởng, bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, động viên Nhân dân phát huy những thành tựu mà huyện Tam Thanh đã đạt được, khắc phục khó khăn, đoàn kết, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị. Huyện đã kịp thời ban hành các chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai có hiệu quả các chương trình kinh tế trọng điểm, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác dồn đổi ruộng đất nông nghiệp, đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất; đồng thời chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo năng suất cao trong sản xuất nông nghiệp. Huyện đã tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về địa kinh tế, xây dựng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, tạo năng lực, giá trị tăng thêm cho ngành công nghiệp, dịch vụ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước; bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Sau 20 năm tái lập, kinh tế của huyện phát triển khá toàn diện, ngày càng mở rộng và đa dạng hoá. Tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trong tổng cơ cấu kinh tế của huyện ngày càng được nâng cao. So với năm 1999, tỷ trọng cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp còn 34,59% (giảm 43,01%), công nghiệp - xây dựng 32,50% (tăng 24%), dịch vụ - thương mại 32,91% (tăng 19,01%). Vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn từ 3,321 tỷ đồng, đến nay là 1.738,8 tỷ đồng. Giá trị tăng thêm bình quân thu nhập đầu người từ 1,9 triệu đồng/người/năm, tăng lên 30,7 triệu đồng/người/năm; không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm xuống còn 4,81% (năm 1999 là 13,5%). Đặc biệt, trong 3 năm liên tiếp (năm 2016, 2017, 2018), huyện Tam Nông có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng trong tốp 2 đơn vị dẫn đầu của tỉnh. Huyện đã có 9 xã được công nhận nông thôn mới, đạt 450% chỉ tiêu tỉnh giao đến năm 2020; các xã còn lại đều đạt từ trên 10 tiêu chí trở lên. 100% trụ sở làm việc của các xã, thị trấn và trường học trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng kiên cố, 100% khu dân cư đều có nhà văn hoá; 100% hộ dân dùng điện. Kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư, hệ thống giao thông kết nối, đối ngoại được cải tạo, nâng cấp, tạo sự liên kết giữa các xã, thị trấn và các vùng miền. Toàn huyện đã có trên 504 km đường giao thông nông thôn được cứng hoá, đạt trên 71% tổng số đường giao thông trong toàn huyện. Tuyến đường Hồ Chí Minh và đường nối quốc lộ 32 với quốc lộ 70 đi Thanh Thủy, Hòa Bình đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh. Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đã được quy hoạch và từng bước đầu tư xây dựng, tạo công ăn việc làm cho người lao động và tăng thu ngân sách cho Nhà nước.
Song song với phát triển kinh tế, huyện luôn quan tâm đến phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tốt Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", "Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá". 20/20 xã, thị trấn trong huyện có quy ước văn hoá với 136 hương ước khu dân cư. Toàn huyện đã có 57 cơ quan, đơn vị được công nhận là cơ quan, đơn vị văn hoá; 136 khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hoá. Huyện luôn giữ vững là một trong những đơn vị tiêu biểu của tỉnh có thành tích cao trong công tác giáo dục. Tỷ lệ thi giáo viên, học sinh giỏi các cấp, tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp THPT, đỗ các trường cao đẳng, đại học luôn đạt cao; chất lượng giáo dục đại trà ngày càng được nâng cao; công tác phổ cập giáo dục được duy trì. Toàn huyện đã có 50/62 trường đạt chuẩn quốc gia (trước khi sáp nhập), đạt 80,6%, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. Các xã, thị trấn trong huyện đều có trung tâm học tập cộng đồng và thư viện. Cơ sở vật chất phục vụ khám, chữa bệnh từ huyện đến xã, thị trấn được đầu tư xây dựng khá quy mô, trang thiết bị từng bước được trang bị đầy đủ, hiện đại, huyện đã có 18/20 xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế, đảm bảo cho việc bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Các cơ sở y tế đã tăng cường việc khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi. Hiện nay, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của huyện ổn định ở mức 0,8%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 12,8% (năm 1999 là 35%). Huyện cũng đã tích cực giải quyết việc làm mới cho hàng ngàn lao động, xuất khẩu hàng trăm lao động đi làm việc ở các nước trên thế giới. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với những người có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sỹ; kịp thời trợ giúp các gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn.
Công tác quốc phòng, an ninh luôn được quan tâm, chú trọng. Thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng nâng cao cảnh giác, chống âm mưu “Diễn biến hòa bình”, “Bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch. Chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển quân hằng năm; an ninh nông thôn, phong trào tự quản, hòa giải ở cơ sở được đẩy mạnh. Tình hình an ninh chính trị được ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, huyện đã vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương. Chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết TW 4 (khoá XI, khóa XII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 03 và Chỉ thị số 05 của Bộ chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ. Huyện đã cử trên 500 cán bộ đi học tập lý luận chính trị; hàng trăm cán bộ đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn và hàng ngàn lượt cán bộ đi bồi dưỡng các lớp ngắn hạn. Huyện đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác phát triển đảng viên. Giai đoạn 2006-2010, huyện đã tập trung xóa trắng khu dân cư chưa có chi bộ và phát triển đảng viên là người theo đạo. Sau 20 năm tái lập, toàn huyện đã kết nạp được trên 3000 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong huyện lên 6.496 đảng viên, thành lập mới được 5 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được tăng cường, chỉ đạo có hiệu quả. Hằng năm, đã xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy, thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên. Thông qua công tác kiểm tra của Đảng, đã có tác dụng giáo dục, ngăn ngừa, uốn nắn để không ngừng nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Công tác vận động quần chúng luôn được coi trọng, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân thường xuyên được đổi mới, phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy sức mạnh tổng hợp trong hệ thống chính trị, kịp thời động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện đã đề ra.
Hoạt động của HĐND và UBND từ huyện đến cơ sở có nhiều tiến bộ, chất lượng và hiệu quả được nâng lên rõ rệt, nhiều vấn đề quan trọng của địa phương đã được giải quyết kịp thời. Hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri đã được coi trọng, nhiều nội dung ý kiến, kiến nghị của nhân dân đã được chỉ đạo giải quyết kịp thời, hiệu quả. Hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng cao. Tình trạng quan liêu, cửa quyền trong đội ngũ cán bộ, công chức đã được khắc phục. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp quản lý, thực hiện có hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và tiến hành sắp xếp bộ máy, tổ chức, tinh giản biên chế theo quy định.
Sau 20 năm nỗ lực phấn đấu xây dựng địa phương ngày càng phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã được cấp trên tặng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2004, huyện Tam Nông và 8 xã, thị trấn được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đặc biệt, năm 2019 huyện Tam Nông vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có nhiều thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Dân tộc. Đây là nguồn cổ vũ, động viên và là nguồn sức mạnh to lớn để huyện Tam Nông tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa trong thời gian tới.
Huyện Tam Nông có được như ngày hôm nay là kết quả của sự vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của Tỉnh ủy – HĐND – UBND - MTTQ tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Phú Thọ, các cơ quan, doanh nghiệp, các tập thể, cá nhân trong và ngoài huyện, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, nhất trí cao của toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để huyện Tam Nông luôn hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đã đề ra.
Chặng đường phía trước đang mở ra cho huyện Tam Nông nhiều cơ hội, thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Toàn thể cán bộ, đảng viên, các lực lượng vũ trang và nhân dân trong huyện phát huy truyền thống quê hương anh hùng, phát huy sức mạnh đoàn kết, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tam Nông lần thứ XXIX. Trước mắt tập trung chỉ đạo, thực hiện thành công việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo đột phá trong quá trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tạo động lực cho phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đồng thời tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới. Huy động và sử dụng các nguồn lực, tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng then chốt. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút các dự án đầu tư, giải quyết việc làm, phát triển các nghề mới ở nông thôn. Phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, giáo dục, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, tăng cường sự đồng thuận xã hội, tạo động lực tinh thần cho quá trình phát triển của huyện. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên. Giữ vững quốc phòng, an ninh, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.
Với sự quyết tâm của Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện cùng sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, tin tưởng rằng, trong thời gian tới huyện Tam Nông sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng, đưa huyện Tam Nông phát triển toàn diện, vững bước trên con đường đổi mới, xứng đáng với truyền thống quê hương Tam Nông anh hùng.
Nguồn - Ban tuyên giáo Huyện ủy Tam Nông