TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2018
Dưới sự lãnh, chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy, sự điều hành linh hoạt của UBND huyện, sự nỗ lực cố gắng của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, các doanh nghiệp và Nhân dân trong huyện, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2018 của huyện tiếp tục ổn định: Thu ngân sách đạt khá; nông nghiệp được mùa, chăn nuôi phát triển ổn định; sản lượng thuỷ sản tăng cao; các sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên địa bàn đều tăng; công tác thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp được triển khai có hiệu quả; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; công tác an sinh xã hội được chú trọng, đời sống của nhân dân được nâng lên.
Kết quả thực hiện trên các lĩnh vực 9 tháng đầu năm 2018 như sau:
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI 9 THÁNG ĐẦU NĂM
1. Về lĩnh vực kinh tế
1.1. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản:
Năm 2018 là một năm tiếp tục có những bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp: Thời tiết rét đậm, rét hại ở đầu vụ Đông Xuân làm cho một số diện tích lúa, hoa màu bị chết; giá cả thị trường, vật tư hàng hóa có nhiều biến động bất lợi cho sản xuất; đặc biệt đợt lũ lịch sử trên sông Bứa, từ ngày 20 - 21/7/2018 làm thiệt hại về người, tài sản, hoa màu của một số hộ dân thuộc 6 xã: Hùng Đô, Quang Húc, Tề Lễ, Tứ Mỹ, Phương Thịnh, Xuân Quang,… giá trị thiệt hại ước tính 104,2 tỷ đồng, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện cùng với sự nỗ lực, phấn đấu khắc phục khó khăn của các ngành và Nhân dân nên kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn đạt mức tăng trưởng khá, đặc biệt là ngành chăn nuôi.
- Về trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng cây có hạt đạt 7.129,8ha; trong đó: diện tích lúa 3.864,5 ha, đạt 93,4% so với kế hoạch; cây ngô 1.356,3 ha; đạt 93,5% so với kế hoạch; Diện tích một số loại cây trồng khác đảm bảo giữ vững và ổn định. Năng suất lúa ước đạt 58,2 tạ/ha, tăng 2,6% so với cùng kỳ, năng suất ngô ước đạt 53,2 tạ/ha, giảm 2,6% so với cùng kỳ.
Cây Bưởi Diễn: Diện tích 89 ha, đạt 55,6% so với kế hoạch; trong đó, diện tích trồng mới 71,7%, tăng 21,8% so với kế hoạch, diện tích cho sản phẩm 17,3 ha, năng suất đạt 125 tạ/ ha, sản lượng 217,9 tấn, đạt 102,2% so với kế hoạch.
Các mô hình sản xuất mới, năng suất cao, như: Mô hình trồng rau, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; mô hình trồng chuối xuất khẩu và Cam Canh, mô hình rau sạch nhà kính - nhà màng tại xã Hương Nộn; mô hình Trồng Chuối Tây Thái Lan tại xã Thượng Nông; Mô hình trồng ớt + Măng Tây, trồng Chuối xuất khẩu tại xã Hồng Đà,... sản xuất ổn định, hiệu quả.
- Về chăn nuôi: Tổng số đàn lợn 40.000 con, tăng 29% so với cùng kỳ; đàn Trâu 1.590 con, đàn bò 11.245 con; đàn gia cầm 1,3 triệu con, tăng 21%; sản lượng thịt gia súc hơi bán, giết mổ ước đạt 7.679 tấn, sản lượng gia cầm bán, giết mổ các loại ước đạt 2.249 tấn; sản lượng trứng gia cầm 110,9 triệu quả, tăng 68,2% so với cùng kỳ; trong đó trứng gà 101,8 triệu quả, tăng 75,9% so với cùng kỳ.
- Về lâm nghiệp: Tập trung chỉ đạo triển khai kế hoạch trồng và chăm sóc rừng năm 2018, lượng cây phân tán được trồng là 61.320 cây, diện tích rừng tập trung trồng mới đạt 88 ha, chăm sóc rừng 629,4 ha, khoanh nuôi tái sinh 153,2 ha.
- Về thủy sản: Diện tích mặt nước nuôi thủy sản 1.150 ha, bằng 99,2% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác ước đạt 4.219,4 tấn, bằng 97,4% so với cùng kỳ.
- Hoạt động dịch vụ nông nghiệp và khuyến nông: Cung ứng trên 70 tấn lúa giống thuần chất lượng cao đưa vào sản xuất với các giống chủ lực là J02, Thiên ưu 8,.. đồng thời, đã kịp thời cung ứng đủ lượng giống lúa cho Nhân dân để khắc phục đối với diện tích lúa bị chết, mạ chết do rét đậm, rét hại gây ra, góp phần đảm bảo diện tích gieo cấy theo kế hoạch đề ra.
- Công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn: Trong các ngày, từ ngày 20 - 21/7/2018 do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, trên địa bàn huyện Tam Nông và thượng nguồn sông bứa có mưa vừa, mưa to đến rất to, kéo dài đã gây lũ làm thiệt hại về người, tài sản, hoa màu của hộ dân thuộc các xã: Hùng Đô, Quang Húc, Tề Lễ, Tứ Mỹ, Phương Thịnh, Xuân Quang,… Trước tình hình trên, UBND huyện đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền và Nhân dân các xã vùng sông Bứa tập trung chuẩn bị tốt công tác bốn tại chỗ, đồng thời có phương án di chuyển tài sản và người dân lên chỗ cao đảm bảo an toàn trước, trong và sau lũ bão xẩy ra. Chủ động, kịp thời phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Lữ đoàn công binh 543 - Quân khu 2, Ban chỉ huy quân sự huyện, công an huyện huy động lực lượng, phương tiện, ca nô ứng cứu người bị mắc kẹt trên các khu vực bị lũ và nhà bị ngập, với lực lượng tham gia trên 1.000 lượt người, để ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, lũ gây ra. Sau lũ bão, để tạo điều kiện giúp nhân dân khắc phục khó khăn, UBND huyện vận động sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trao quà cho Nhân dân, sách vở, đồ dùng học tập cho các em học sinh, hỗ trợ thực hiện công tác vệ sinh môi trường, ... tổng kinh phí hỗ trợ trên 1 tỷ đồng, góp phần giúp Nhân dân sớm ổn định cuộc sống.
1.2. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng ổn định:
Các sản phẩm chủ yếu của công nghiệp - TTCN tập trung ở các sản phẩm như: Bia đạt 43,9 triệu lít; chế biến thức ăn chăn nuôi đạt 39,2 nghìn tấn, Nhôm thanh 750 tấn, gạch Tuynel đạt 39 triệu viên, Gỗ chế biến 17.000m3, sản phẩm vật liệu xây dựng, hàng may mặc đều tăng so với cùng kỳ; một số nhà máy đi vào sản xuất, tạo năng lực tăng thêm: Ngói 4.000 viên, linh kiện điện thoại 300.000 chiếc, ván ép 8.000m3... Duy trì và phát triển các làng nghề, như: Đồ gỗ dân dụng, gỗ mỹ nghệ, sản phẩm mây, tre đan,...
UBND huyện thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp, giải quyết tháo gỡ những kiến nghị kịp thời, đã tạo niềm tin, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào huyện. Trong 9 tháng đầu năm đã thu hút được 05 dự án: Nhà máy sản xuất gỗ xuất khẩu Vương Phát của Công ty TNHH xuất nhập khẩu gỗ Vương Phát (tổng vốn đầu tư 71,7 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất bao bì PP, PE của công ty TNHH Minh Quân Phú Thọ (tổng vốn đầu tư 5 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất gạch không nung Long Hải của Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Long Hải (tổng vốn đầu tư 27,6 tỷ đồng); Dự án Cây xăng của Công ty TNHH Thương mại Hồng Nhung; Dự án Cây xăng Phương Thịnh, Trạm dừng nghỉ BOT,...
1.3. Công tác Thu, chi ngân sách:
Tổng thu NSNN trên địa bàn huyện 9 tháng 47,5 tỷ đồng, đạt 68,3% dự toán năm, thu ngân sách huyện đạt 322,2 tỷ đồng, đạt 96,3% so với dự toán.
Tổng chi ngân sách huyện 271,5 tỷ đồng, đạt 81,2% dự toán, đáp ứng nhu cầu kinh phí thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực.
Tập trung đẩy mạnh huy động các nguồn lực và đa dạng hóa hình thức đầu tư; cơ sở vật chất để xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo kế hoạch đề ra;... Tiếp tục đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện thanh, quyết toán các công trình đã hoàn thành theo quy định.
1.4. Về đầu tư phát triển:
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1.565,1 tỷ đồng, đạt 130% so với kế hoạch; trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước 93,1 tỷ đồng (Dự án: Cải tạo, nâng cấp đường giao thông, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng công cộng; đầu tư cải tạo, nâng cấp khối nhà chính Trạm y tế, xây dựng mới nhà điều hành, phòng, lớp học; xây dựng hạ tầng khu đấu giá QSDĐ,...); vốn đầu tư trong dân 374 tỷ đồng và vốn do các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn 1.098 tỷ đồng. Công tác phân bổ vốn đầu tư từ NSNN đã được thực hiện đảm bảo quy định, ưu tiên bố trí vốn cho các công trình chuyển tiếp và trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản đối với dự án hoàn thành quyết toán.
UBND huyện đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ, tích cực, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các sở, ban, ngành của tỉnh, các tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn, doanh nghiệp để huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt: Đã đầu tư xây dựng mới đường giao thông nông thôn bê tông hóa, nhựa hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, nâng tỷ lệ đường GTNT được cứng hóa lên 63,62%, đạt 109,6% so với kế hoạch năm; hoàn thành Nhà máy nước Tề Lễ; hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt tại các xã: Tam Cường, Thanh Uyên, Hương Nha, Vực Trường; các công trình điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa khu dân cư,...
1.5. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và bảo vệ môi trường
Công tác quản lý đất đai, khoáng sản được chú trọng, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các xã, thị trấn, ngăn chặn kịp thời các vi phạm xảy ra.Công tác thu hồi và giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Nhân dân được thực hiện theo đúng quy trình, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân và các dự án đầu tư trên địa bàn huyện. Đã tổ chức đấu giá tại Thượng Nông; giao đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân tại xã Hiền Quan, Cổ Tiết, xã Xuân Quang, Thanh Uyên, tổng số tiền thu được 9,1 tỷ đồng; đã thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2.106 hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn với tổng diện tích là 153,24 ha, tăng 456 giấy so với cùng kỳ.
Tích cực chỉ đạo triển khai Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt đảm bảo vệ sinh môi trường; thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết các đơn, thư của các tổ chức, công dân liên quan đến môi trường.
Công tác BT GPMB khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư được thực hiện đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và chế độ chính sách theo đúng quy định; tạo quỹ đất sạch để thực hiện xây dựng các công trình, đấu giá QSD đất và các dự án đầu tư trên địa bàn. Tổng số dự án là 16 dự án, tổng số hộ có đất phải thu hồi 135 hộ, số diện tích đất phải thu hồi là 3,3 ha, tổng số kinh phí BTGPMB đã phê duyệt 4,16 tỷ đồng.
2. Công tác xây dựng nông thôn mới và dồn đổi ruộng đất
2.1. Chương trình xây dựng Nông thôn mới:
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư, song UBND huyện đã thực hiện phân bổ chi tiết từng nhiệm vụ, danh mục, mức vốn cho từng công trình dự án đúng quy định Nhà nước hiện hành với tổng số tiền 9.550,3 triệu đồng. Tập trung chỉ đạo các xã xây dựng phương án huy động, lồng ghép các nguồn vốn, kinh phí đúng mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình để đầu tư cho các công trình như: Giao thông, thủy lợi, y tế, trường học và hỗ trợ vốn sản xuất cho nhân dân,... Đã chỉ đạo, hướng dẫn xã Hồng Đà, xã Vực Trường tổ chức Lễ đón nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đảm bảo tran trọng, tiết kiệm; đồng thời, tích cực chỉ đạo, hướng dẫn xã Tứ Mỹ, xã Tề Lễ xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí, thủ tục, hồ sơ để đề nghị tỉnh Phú Thọ thẩm định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.
2.2. Về công tác dồn đổi ruộng đất:
Đã tập trung chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 93-NQ/HU ngày 30/6/2014 của Ban Thường vụ Huyện ủy với những kết quả tích cực, trên địa bàn huyện đã dồn đổi ruộng đất được 1.687,7 ha, đạt 93,02% kế hoạch, với số thửa tham gia dồn đổi 91.907 thửa; diện tích bình quân sau dồn đổi ruộng đất 573,75m2/thửa, bình quân số thửa/hộ là 2,35 thửa; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các xã (Hồng Đà, Thượng Nông, Dậu Dương, thị trấn Hưng Hóa, Dị Nậu, Tam Cường, Hiền Quan, Vực Trường, Phương Thịnh, Hùng Đô, Tề Lễ) tiếp tục thực hiện dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai đến năm 2020 theo Nghị quyết 08 - NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
3. Lĩnh vực Văn hóa - xã hội phát triển khá toàn diện
3.1. Về Giáo dục và Đào tạo:
Quy mô, mạng lưới trường lớp học phát triển hợp lý, công tác xây dựng Trường học đạt chuẩn Quốc gia được quan tâm chỉ đạo thực hiện đúng kế hoạch, đã đầu tư xây dựng được 11 công trình với 71 phòng học, phòng chức năng và phòng hành chính quản trị; nâng cấp, tu sửa được 15 hạng mục công trình chính và công trình phụ trợ với tổng kinh phí là 22.352,4 triệu đồng, phấn đấu năm 2018 xây dựng mới 4 trường học đạt chuẩn quốc gia (nâng số trường học đạt chuẩn quốc gia của huyện là 46/56 trường). Chất lượng toàn diện được củng cố, phát triển; công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi có nhiều tiến bộ, số lượng, chất lượng học sinh giỏi tăng; công tác phổ cập được duy trì; cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, số lượng trường chuẩn quốc gia ngày càng được nâng lên. Đội ngũ cán bộ, giáo viên nhiệt tình trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất hoàn thành tốt nhiệm vụ. Giáo dục và đào tạo huyện Tam Nông tiếp tục duy trì và giữ vững thứ hạng, xếp thứ 3 trong toàn tỉnh.
3.2. Về Y tế, Dân số - KHHGĐ:
Công tác khám chữa bệnh từng bước được nâng lên, cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh tiếp tục được đầu tư nâng cấp; tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh có nhiều chuyển biến tích cực, phục vụ tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho Nhân dân. Công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên người được triển khai đầy đủ, kịp thời. Thực hiện tốt công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; không có ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra trên địa bàn. Đã triển khai đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp khối nhà chính 5 Trạm y tế theo kế hoạch, phấn đấu năm 2018 có thêm 6 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế (nâng số xã chuẩn quốc gia về y tế của huyện là 17 xã, thị trấn).
Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 22/7/2016 của HĐND huyện về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện công tác dân số và phát triển giai đoạn 2016 - 2020; đã thực hiện lồng ghép, truyền đạt nội dung về công tác dân số và phát triển trong tình hình mới vào nội dung các lớp sơ cấp lý luận chính trị tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện.
3.3. Về Văn hóa và Thông tin:
Hoạt động văn hóa, thông tin tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, Pháp luật của Nhà nước gắn với việc“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Tuyên truyền chào mừng các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh, của huyện, tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và Lễ hội... Các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT được tổ chức chu đáo, nội dung phong phú, lành mạnh, giàu tính truyền thống. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động TDTT tiếp tục được quan tâm đầu tư; phong trào: “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được duy trì thường xuyên ở các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn. Thực hiện tốt công tác quản lý các di tích lịch sử văn hóa, các hoạt động lễ hội ở địa phương; đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền đề nghị được tu bổ, tôn tạo đối với 9 di tích:Đền nhà Bà - thị trấn Hưng Hóa, Chùa Tùng Sơn - xã Dậu Dương, Chùa Kim Tích - xã Hồng Đà, Đền - Chùa Hiền Quan - xã Hiền Quan, Chùa Phúc Thánh - xã Hương Nộn, Đình - Đền - Miếu Hạ - xã Hương Nha, Đền Xuân Quang - xã Xuân Quang, Chùa Linh Thắng - xã Thượng Nông, Đền thờ Vua Lý Nam Đế.
3.4. Thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết việc làm và các chính sách an sinh xã hội:
Các giải pháp tạo việc làm cho người lao động được đẩy mạnh, trong đó tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với việc xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống của các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội; đảm bảo không có hộ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Đã thực hiện tặng 2.374 suất quà của Chủ tịch nước, UBND tỉnh, UBND huyện với tổng số tiền là 657,6 triệu đồng cho các đối tượng chính sách. Vận động các tổ chức xã hội, những nhà hảo tâm tặng 3.518 suất quà cho đối tượng người có công và thân nhân người có công khó khăn, ốm đau, hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam,... với tổng số tiền là 1.436,8 triệu đồng; trợ cấp cứu đói giáp hạt cho 141 hộ (279 khẩu), với số tiền là 85 triệu đồng; tổ chức thăm hỏi, tặng 99 xuất quà cho các đồng chí nguyên lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện qua các thời kỳ.
Công tác giảm nghèo được chú trọng, đã thực hiện bàn giao 32 con bò sinh sản cho 32 hộ dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã Hương Nha để phát triển kinh tế theo Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững của tỉnh với tổng kinh phí là 500 triệu đồng. Hoạt động BHXH được quan tâm và triển khai có hiệu quả; các chính sách BHXH, BHYT, an sinh xã hội trên địa bàn được đảm bảo. Công tác chữ thập đỏ hoạt động có hiệu quả, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong hoạt động xã hội nhân đạo; các hoạt động “Ngân hàng bò”, “Nồi cháo nghĩa tình”, “Hỗ trợ vốn người nghèo và nạn nhân da cam” đã giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế bền vững, góp phần vào thực hiện an sinh xã hội, kinh tế - xã hội trên địa bàn.
4. Công tác tiếp công dân, nhận, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện.
4.1. Công tác tiếp công dân:
Toàn huyện tiếp 324 lượt người, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó UBND huyện tiếp 43 lượt người; Lãnh đạo UBND huyện tiếp 29 lượt người. Nội dung kiến nghị, phản ảnh của công dân chủ yếu về lĩnh vực đất đai, chế độ chính sách xã hội, môi trường, an ninh trật tự, Bồi thường, GPMB...
Các kiến nghị, đề nghị, phản ánh của công dân đều được xem xét, giải quyết và trả lời đầy đủ, kịp thời đúng quy định.
4.2. Công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, đề nghị phản ánh của công dân:
Toàn huyện nhận 294 đơn, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó: 02 đơn khiếu nại, 01 đơn tố cáo, 291 đơn loại khác; đơn thuộc thẩm quyền UBND huyện giải quyết 50 đơn, UBND huyện đã giải quyết xong 44 đơn, còn 6 đơn mới nhận, UBND huyện đang xem xét giải quyết. Thông qua giải quyết đơn đề nghị, phản ánh của công dân đã xử phạt vi phạm hành chính 03 vụ, 5 đối tượng về lĩnh vực an ninh trật tự, xử phạt trên 4 triệu đồng.
5. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan chuyên môn; xã, thị trấn cơ bản ổn định về số lượng, nâng cao về chất lượng. UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn của huyện tiếp tục đăng ký cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết, tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân và các doanh nghiệp (đã cắt giảm 753 ngày/ 2.824 ngày thời gian giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp huyện và 241 ngày/894 ngày thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp xã);đồng thời, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính trên các lĩnh vực công tác, tạo đột phá trong củng cố kỷ cương hành chính, hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ, nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ, văn hóa ứng xử tại các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trong huyện.
6. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, chủ động giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến tôn giáo, an ninh nông thôn, bảo vệ chính trị nội bộ, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Quyết liệt giải tỏa hành lang ATGT, xử lý xe quá khổ, quá tải, đẩy mạnh tuyên truyền, tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm về trật tự an toàn giao thông qua đó kiềm chế tai nạn giao thông.
Công tác quân sự địa phương hoạt động có nề nếp và ổn định, bảo đảm duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng trong lực lượng vũ trang và chính sách hậu phương quân đội.
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Kết quả đạt được:
Triển khai thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2018 trong bối cảnh còn nhiều khó khăn; song, dưới sự lãnh, chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy, sự điều hành linh hoạt của UBND huyện, sự nỗ lực cố gắng của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, các doanh nghiệp và Nhân dân trong huyện, kinh tế của huyện tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, nổi bật: Kinh tế tiếp tục phát triển khá, công tác thu và quản lý tài chính ngân sách được đảm bảo; thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm; UBND huyện đã chỉ đạo, vận động Nhân dân gieo trồng đúng khung lịch thời vụ nên đã hoàn thành kế hoạch gieo trồng, năng suất lúa đạt cao; chăn nuôi và thủy sản mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do tác động của giá cả thị trường, song vẫn duy trì ổn định tổng đàn và diện tích nuôi trồng thủy sản; sản xuất công nghiệp được trì, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên địa bàn đều tăng, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế của huyện; sức mua trên thị trường được cải thiện, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn. Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản theo Luật đầu tư công tiếp tục được tăng cường, đi vào nề nếp; các dự án đầu tư theo kế hoạch được chỉ đạo thực hiện ngay từ đầu năm, đảm bảo tiến độ thực hiện; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đảm bảo ổn định đời sống Nhân dân, nhất là hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, gia đình có công với cách mạng; công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư được chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt và đạt được những kết quả tốt, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư và người dân; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, Nhân dân yên tâm phát triển kinh tế - xã hội.
2. Một số khó khăn, tồn tại, hạn chế:
Tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường: Rét đậm, rét hại đầu vụ Đông Xuân, mưa lớn kéo dài, gây ngập lụt giữa vụ Mùa; giá cả thị trường sản phẩm chăn nuôi, thủy sản chưa ổn định, đã ảnh hưởng đến tư tưởng, thu nhập của Nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản của huyện; đầu tư từ ngân sách còn khó khăn do thủ tục về đầu tư, xây dựng phức tạp, kéo dài; việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế; hệ thống giao thông, kênh, mương nội đồng đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất; công tác quản lý đất đai ở một số xã, thị trấn còn chưa chặt chẽ, để cho một số hộ tự ý đào ao, san gạt mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất trái thẩm quyền trên đất lúa, đất rừng, đất màu (đất NN) để làm trang trại chăn nuôi, quán bán hàng và làm nhà xưởng,... công tác giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất chậm tiến độ đề ra, kết quả đạt thấp; việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế; việc triển khai Đề án thu gom xử lý rác thải tại các xã, thị trấn chậm, không đảm bảo kế hoạch đề ra...
Cơ sở vật chất, trang thiết bị một số Trường học, Trạm y tế đã xuống cấp song chưa có nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp; chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng học sinh giỏi chưa đồng đều ở các trường; trình độ quản lý, chuyên môn của một bộ phận cán bộ y tế ở cơ sở còn hạn chế; hoạt động Văn hóa, thông tin, thể thao chưa đồng đều giữa các xã, thị trấn; phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT chưa đồng đều giữa các xã, thị trấn. Công tác dạy nghề còn gặp nhiều khó khăn; chuyển dịch cơ cấu lao động, công tác đào tạo nghề và nâng cao chất lượng nguồn lực chưa bền vững.
Kết quả cải cách hành chính tuy có nhiều chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân ở một số xã còn chậm, chưa đảm bảo đúng thời gian theo luật định, chất lượng chưa cao, còn mang tính chung chung, nên công dân vẫn chưa đồng tình, dẫn đến nhiều vụ việc kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Tình hình an ninh liên quan đến tôn giáo, an ninh nông thôn và hoạt động của các loại tội phạm còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng, ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế.
III. NHIỆM VỤ TRONG TÂM 3 THÁNG CUỐI NĂM 2018.
1. Tập trung chỉ đạo rà soát và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển sản xuất; tiếp tục có giải pháp cụ thể, hiệu quả để cải thiện môi trường đầu tư, nhất là về thủ tục hành chính.
2. Chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ các điều kiện triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2018 -2019 đúng kế hoạch; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản; tăng cường phòng chống dịch bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai, phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng theo kế hoạch, tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cải tạo các công trình thủy lợi; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo đúng kế hoạch.
3. Tăng cường chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2018; kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, chống thất thu, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Tăng cường quản lý chi NSNN, bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả. Theo dõi diễn biến giá cả thị trường trên địa bàn để kịp thời có các biện pháp bình ổn giá; thực hiện tốt các chính sách về ngân hàng, tín dụng.
4. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện tốt các nhiệm vụ về văn hóa - xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, các chương trình mục tiêu về giáo dục, y tế, dân số, văn hoá, giảm nghèo và việc làm, các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống Nhân dân.
5. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền vững mạnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.
6. Đảm bảo an ninh trật tự, tăng cường công tác Quốc phòng an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân, kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp phát sinh ngay từ cơ sở, hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự. Đồng thời, tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Tinh hinh kinh te - xa hoi 9 thang dau nam 2018.pdf