Tư tưởng không ai muốn nhận đất xấu để sản xuất, canh tác. Đó là khó khăn trở ngại nhất không chỉ riêng xã Hương Nộn. Để tạo được sự ủng hộ, thống nhất cao trong dân, Đảng bộ xã Hương Nộn đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thấu hiểu, mục đích, ý nghĩa của việc dồn đổi ruộng đất sẽ tạo ra khu, vùng sản xuất lớn, tạo điều kiện để canh tác, sản xuất chuyên môn hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tổ chức hội nghị trong dân công khai quy hoạch, các phương án để dân bàn bạc một cách dân chủ, minh bạch. Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Quang Thành - HUV - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Hương Nộn cho biết: “Trước khi đưa ra bàn bạc, thảo luận trong Nhân dân, các chi bộ đã tổ chức họp bàn, thống nhất các phương án. Nhiều đảng viên đã viết đơn tình nguyện nhận phần đất xấu khó canh tác. Bà con nông dân nhìn vào cán bộ, đảng viên, khi họ thấy đảng viên gương mẫu thì họ cũng nghe theo”.
Cán bộ, đảng viên uy tín của địa phương lại chính là những tuyên truyền viên tích cực đi tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là vận động, động viên gia đình, người thân trong dòng họ hưởng ứng, ủng hộ việc dồn đổi ruộng đất của địa phương. Ông Nguyễn Đức Thắng – đảng viên chi bộ 5 là một người như thế. Ông chia sẻ: “Tôi vận động gia đình và mọi người tình nguyện nhận chỗ đất xấu nhất của khu, nếu không trồng được lúa thì chuyển sang trồng cây, đào ao. Nghe cũng đúng và thấy gia đình tôi viết đơn, nên nhiều đảng viên và nhiều gia đình khác cũng đã viết đơn xin nhận chỗ đất xấu. Mình là đảng viên thì phải gương mẫu, mà nhận chỗ xấu thì Nhân dân mới đồng tình cho mình”. Còn ông Cao Hoàng Khải – một nông dân của khu 6 cho biết: “Trong khu có nhiều đồng chí đảng viên đã gương mẫu tự nguyện nhận những diện tích đất xấu về gia đình mình để đầu tư sản xuất. Gia đình tôi cũng làm theo các đồng chí đó nhận tất cả về một chỗ sâu trũng này, sau đó tôi đã cải tạo đào ao thả cá và trồng cây ăn quả, trồng rau”.
Trước dồn đổi, xã Hương Nộn có hơn 7.000 thửa ruộng, bình quân mỗi hộ có hơn 6 thửa nhỏ, lẻ. Sau dồn đổi giảm gần một nửa còn hơn 4.000 thửa, bình quân mỗi hộ còn khoảng 3 thửa và diện tích của một thửa đạt gần 660m2, đặc biệt có một số khu chỉ còn hơn một thửa/hộ. Cùng với việc dồn đổi, xã đã quy hoạch lại toàn bộ hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, xây dựng 14km đường giao thông nội đồng, 81 tuyến kênh mương cứng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hương Nộn trở thành địa phương đầu tiên của huyện Tam Nông đã hoàn thành công tác dồn đổi ruộng đất nông nghiệp.
Nói về những kết quả mà Đảng ủy và Nhân dân xã Hương Nộn đã làm được trong công tác dồn đổi ruộng đất, ông Phan Đức Tài – HUV – PCT UBND huyện - Phó BCĐ Dồn đổi ruộng đất huyện phấn khởi cho biết: “Hương Nộn là một xã điển hình đã tiến hành dồn đổi xong diện tích đất nông nghiệp. Có được kết quả trên là sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy – UBND xã đồng thời kết hợp vận động các đoàn thể, nhân dân tích cực tham gia việc dồn đổi ruộng đất để chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.”
Hương Nộn đã đạt được 17/19 tiêu chí nông thôn mới, tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của đảng và tính tiền phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, Đảng bộ xã Hương Nộn quyết tâm đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới trong năm 2015./.
Thanh Nhàn (Đài TT Tam Nông)