
Bác Hồ trồng cây Đa tại công viên Thống nhất. Mở đầu tết trồng cây trong toàn quốc, ngày 11/1/1960
Trong không khí rộn ràng chào đón Xuân Giáp Thìn 2024, chúng ta lại nhớ đến Bác Hồ và những lời căn dặn của Người. Mùa xuân năm 1959, Bác Hồ đã viết bài “Tết trồng cây” nêu rõ mục đích trước mắt và lâu dài của việc trồng cây. Từ việc quan tâm đến môi trường thiên nhiên, hiểu được ý nghĩa sâu sắc, giá trị thiết thực của môi trường sống, Người đã động viên và kêu gọi nhân dân ta tích cực trồng cây, giữ lấy màu xanh của đất nước. Từ đó đến nay, đã thành một truyền thống tốt đẹp mỗi dịp Tết đến Xuân về phong trào “Tết trồng cây” thực sự trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn dân ta. Truyền thống đó đã mang lại giá trị thực tiễn, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường như hiện nay.
Ngày 28-11-1959, hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng và đón Tết cổ truyền của dân tộc, với bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân Dân, chính thức khởi xướng, phát động phong trào Tết trồng cây. Người mong muốn đây là một trong các hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày thành lập Đảng vào dịp đầu xuân mới. Tết Nguyên đán Canh Tý 1960 là Tết đầu tiên nhân dân ta hưởng ứng lời kêu gọi thực hiện Tết trồng cây của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bác là người gương mẫu thực hiện trước. Bác cùng cán bộ, nhân dân trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu. Từ đó, Tết trồng cây luôn gắn liền với Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, trong dịp cả nước mừng Đảng, mừng xuân. Qua theo dõi phong trào toàn dân tham gia Tết trồng cây đầu tiên, ngày 19-01-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây đã thắng lợi bước đầu” để cổ vũ, động viên phong trào trồng cây của nhân dân; tiếp đó, Người viết bài “Thêm vài ý kiến về Tết trồng cây” nhằm uốn nắn những nhận thức không đúng về phong trào... Người đã động viên và kêu gọi nhân dân ta tích cực trồng cây, giữ lấy màu xanh của đất nước:“Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”
Câu thơ của Bác Hồ kính yêu từ lâu đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam, kể từ đó tới nay, đã thành một truyền thống tốt đẹp mỗi dịp Tết đến Xuân về, phong trào “Tết trồng cây” thực sự trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn dân ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng trồng cây đại ở Ấn Độ, trồng cây sồi ở nước Nga và Người gọi đó là những “cây hữu nghị”. Người mong muốn nhân dân mỗi nước đều có trách nhiệm giữ gìn, vun trồng cho “cây hữu nghị” ngày càng tươi tốt, vững bền. Khi đế quốc Mỹ và tay sai dùng chất độc hóa học và bom napan hủy diệt cây cối của đồng bào ta ở miền Nam và hàng triệu héc-ta rừng, Người kêu gọi nhân dân miền Bắc “trồng cây cho ta và cho cả đồng bào miền Nam nữa”. Người kêu gọi “tổ chức một Tết trồng cây quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Tết Kỷ Dậu 1969-Tết cuối cùng của Bác, mặc dù sức khỏe rất yếu, nhưng sáng Mồng Một Tết (tức ngày 16-2-1969), Bác vẫn đi thăm bộ đội Quân chủng Phòng không-Không quân; thăm, nói chuyện với nhân dân và trồng cây Đa lưu niệm tại đồi Đồng Váng, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội. Trong bản Di chúc mà Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, Bác Hồ cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây hoa làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.
Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, người người, nhà nhà, các cơ quan, đơn vị lại cùng nhau tham gia phong trào trồng cây, gây rừng. “Tết trồng cây” lại càng có ý nghĩa to lớn trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mỗi người dân dân về tầm quan trọng của việc trồng cây, bảo vệ môi trường sống; trồng cây phủ xanh đồi núi trọc hay những vùng ven biển đang bị cát lấn có tác dụng ngăn được bão lũ, chống xói mòn, giảm bớt những hậu quả do thiên tai; trồng cây tại các khu đô thị, khu công nghiệp, trong thôn xóm, dọc đường giao thông nông thôn, ở các trường học, công viên… tạo môi trường “xanh- sạch- đẹp”; đồng thời, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật, cải thiện chất lượng rừng và môi trường sinh thái, nâng cao độ che phủ của rừng. Việc làm đó đã và đang mang lại lợi ích nhiều mặt cho địa phương, đơn vị và hộ gia đình. Không chỉ vậy, từ phong trào “Tết trồng cây”, mỗi người lại cảm nhận sâu sắc thêm về mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, tạo nên một nếp sống thân thiện và thủy chung với thiên nhiên; để con người hoàn thiện mình hơn trong môi trường sống của chính mình.
Nhớ lời Bác dạy, chúng ta hãy cùng nhau giữ vững và phát huy nét đẹp ấy để “Tết trồng cây” thực sự là ngày hội lớn “Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”.
Ngay cả đến giờ phút sắp đi xa, trong Di chúc, Bác Hồ cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây hoa làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”. Như vậy có thể thấy, trong suốt cuộc đời mình, Bác Hồ rất quan tâm tới công cuộc trồng cây, gây rừng và bảo vệ rừng. “Tết trồng cây” là bài học lớn của Bác để lại cho thế hệ sau về cách sống gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên môi trường, về phát triển bền vững, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước nhưng phải luôn giữ được màu xanh cây cỏ, vì chất lượng cuộc sống của người dân.
Không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của cây xanh trong điều kiện môi trường sinh thái và môi trường sống của con người hiện nay. Nó không chỉ bó hẹp trong phạm vi trồng cây, lời căn dặn của Bác về “Tết trồng cây” càng trở nên có ý nghĩa thiết thực hơn trong bối cảnh chung biến đối khí hậu, ô nhiễm môi trường, trái đất nóng lên do hiệu ứng nhà kính, thiên tai lũ lụt, hạn hán…

Tam Nông tổ chức trồng cây đầu xuân
Thực hiện phong trào “Tết trồng cây” do Bác Hồ khởi xướng, nhiều năm qua Huyện ủy, HĐND, UBND huyện cùng các ban, ngành đoàn thể và các xã thị trấn trên địa bàn huyện Tam Nông đã hưởng ứng và tham gia tích cực; phong trào trồng cây, trồng và bảo vệ rừng thực sự mang lại nhiều lợi ích to lớn, góp phần nâng cao độ che phủ, phát huy tác dụng phòng hộ, cải thiện môi trường sinh thái và trở thành nét đẹp văn hoá truyền thống. Tết trồng cây luôn có ý nghĩa lớn đối với nhân dân huyện Tam Nông, vì nơi đây Bác đã dừng chân nghỉ lại 14 ngày tại xã Vạn Xuân. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tam Nông càng cố gắng quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác trồng cây gây rừng gìn giữ môi trường sống, xanh, sạch đẹp. Hàng năm, huyện đã xây dựng kế hoạch và phát động trồng cây vào dịp đầu xuân năm mới, các cơ quan, đơn vị, trường học, các xã, thị trấn và các hộ dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Qua đó, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa “Tết trồng cây”. Lễ phát động Tết trồng cây đầu xuân Giáp Thìn năm 2024 của Huyện Tam Nông được tổ chức tại Trung tâm thể thao huyện Tam Nông - Khu 6, thị trấn Hưng Hoá, (đoạn nối từ đường quốc lộ 32 đến đường nối 2 khu công nghiệp – khu 1 thị trấn Hưng Hoá)
Đã 55 mùa xuân đi qua kể từ ngày Bác ra đi, nhưng phong trào Tết trồng cây vẫn còn nguyên giá trị, trở thành một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Từ lời dạy của Người, phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc luôn được toàn Đảng, toàn dân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều việc làm cụ thể. Đó không chỉ đơn thuần để có thêm cây xanh, phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống, mà “Tết trồng cây” còn góp phần giáo dục cho mỗi con người, nhất là thế hệ trẻ ngày nay về ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, mãi mãi xanh tươi./.
Lan Oanh -Bùi Thủy