
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông
Trong thời gian 15 ngày ở và làm việc tại xã Cổ Tiết, từ sáng ngày 4/3 đến chiều tối ngày 18/3/1947, Người theo dõi tin tức chiến sự, báo chí, gặp và làm việc với các đồng chí trong Bộ Chính trị, Hội đồng Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh. Người đã trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc từ những việc nhỏ như sơ tán, đến những việc lớn như chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn diện, lâu dài; hoạch định chiến lược, sách lược đối với Chính phủ và Nhân dân Pháp. Trong thời gian ở Cổ Tiết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng bí danh là "Xuân" trong các giấy tờ giao dịch. Để đảm bảo tuyệt đối bí mật, Bác đều làm việc tại nhà, không có các cuộc tiếp xúc rộng rãi, khi cần đi đâu Người đều cải trang kỹ càng; Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo và công bố nhiều văn kiện, Sắc lệnh, Thư điện, tài liệu… Cũng tại nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt tên cho các chiến sỹ cùng đi với Người là: "Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi".
Di tích Địa điểm Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Cổ Tiết có ý nghĩa rất quan trọng trong hệ thống các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phú
Mờ sáng ngày 04/03/1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Sơn Tây qua bến phà Trung Hà sang Phú Thọ di chuyển lên căn cứ Việt Bắc. Trên đường lên chiến khu Việt Bắc Bác về ở và làm việc tại nhà cụ Nguyễn Liên - đồn điền Ba Triệu (Cụ Nguyễn Liên là Bố đẻ đồng chí Nguyễn Trung - Đ/c Nguyễn Trung lúc đó là Chủ nhiệm huyện bộ Việt Minh Tam Nông) nhưng ở đây gần sát đường Quốc lộ 32A, sự an toàn không cao vì vậy ngay chiều tối hôm đó (04/3/1947) Bác cùng đoàn Cán bộ của Đảng di chuển đến nhà ông Hoàng Văn Nguyện ở Xóm Đồi xã Cổ Tiết (nay là xã Vạn Xuân), (ông Hoàng Văn Nguyện là Bố vợ của đồng chí Đỗ Văn Mô - Đ/c Đỗ Văn Mô lúc đó là Phó Chủ nhiệm huyện bộ Việt Minh Tam Nông).
Trong thời gian ở Xóm Đồi xã Vạn Xuân Bác dùng bí danh là Xuân! Khi đi ra ngoài Bác thường phải cải trang rất kỹ. Bác nghiên cứu cách đánh giặc của Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung …
Bác dịch xong phần cuối cuốn sách "Tuyên ngôn Đảng cộng sản" của Mác - Ăng Ghen.
+ Tại đây Bác ký 4 sắc lệnh 28, 29, 29b và 30.
- Sắc lệnh số 28/SL về sửa đổi địa giới hành chính xã Can Lộc - Hà Tĩnh và Thị xã Vinh (Bến Thuỷ).
- Sắc lệnh số 29/SL (10 chương, 187 điều khoản) về mối quan hệ người Việt Nam với người nước ngoài, công dân Việt Nam tại các hầm mỏ, nhà máy, Thương điếm, các nhà làm nghề tự do.
- Sắc lệnh số 29b/SL về lập Ngoại Thương cục thuộc Bộ Kinh tế ấn định chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ và tổ chức Ngoại Thương cục.
- Sắc lệnh số 30/SL giao ông Bộ trưởng Bộ Lao Động Nguyễn Văn Tạo - về việc tản cư và di cư cho nhân dân.
+ Cũng Tại nơi đây Bác đặt tên cho các đồng chí trong tổ Bảo vệ “Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi”. Để luôn nhắc nhở Bác khi chỉ đạo toàn quốc kháng chiến.
+ Thư gửi đồng bào gồm:
Gửi đồng bào hậu phương nhắc nhở mọi người giúp đỡ đồng bào tản cư;
Thư gửi Quốc hội và nhân dân Pháp nói về lập trường kháng chiến của Nhân dân Việt Nam;
Thư động viên đồng bào toàn quốc sau trận Pháp tấn công Hà Nội;
Thư gửi Bộ Nội vụ nhắc nhở việc củng cố các UB hành chính và việc di chuyển các cơ quan đến nơi an toàn.
+ Bác viết hoàn chỉnh cuốn sách “Đời sống mới”.
Chiều tối ngày 18/3/1947 Bác cùng đoàn công tác rời Xóm đồi xã Vạn Xuân qua bến Ghềnh Ba Triệu sang xã Xứ Nhu, xã Xuân Lũng và chuyển đến ở làm việc tại xã Chu Hoá - Lâm Thao - Phú Thọ (nay là Thành phố Việt Trì).
Thể theo nguyện vọng của Nhân dân huyện Tam Nông, năm 1995, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng di tích cấp Quốc gia: Địa điểm Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Quyết định số 65/QĐ/BT ngày 16/01/1995.
Năm 1998 được Nhà nước đầu tư xây dựng Nhà tưởng niệm với diện tích trên 30m2. Năm 2005, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện cùng toàn thể cán bộ và Nhân dân trong huyện; Lãnh đạo và Cán bộ Ban quản lý các khu công nghiệp của tỉnh đã tri ân công đức kinh phí (gần 1 tỷ đồng) để tôn tạo lại nhà tưởng niệm, đúc tượng Bác bằng đồng nặng trên 400kg và mua sắm các đồ thờ tự bên trong. Đồng thời phục hồi lại nhà lưu niệm, năm xưa Bác cùng đoàn công tác về ở và làm việc - ngôi nhà gỗ 05 gian (03 gian, 02 trái) và nhà bếp 03 gian. Các đồ dùng sinh hoạt phục vụ Bác và đoàn công tác vẫn được gia đình và Nhân dân xã Cổ Tiết (nay là xã Vạn Xuân) lưu giữ lại được gồm: bàn, ghế ngồi; bàn ghế ngồi uống nước; giường quả găng, sập, phản khuôn ...; dưới bếp là chiếc giàn bát, mâm gỗ, cối đá giã gạo...vv.
Nằm giữa nhà Tưởng niệm và nhà Lưu niệm là cây Thị năm xưa Bác tập thể dục, hiện vẫn được chăm sóc ngày một xanh tươi.
Tại Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh hàng năm Đảng bộ và Nhân dân trong huyện thường xuyên tổ chức Lễ hội Cách mạng vào dịp đầu tháng 3, đồng thời tổ chức dâng hương vào các ngày: ngày Tết Nguyên đán, ngày thành lập Đảng CS Việt Nam 03/02, giải phóng Miền Nam 30/4, ngày sinh nhật Bác 19/5, ngày Bác mất 21/7 (ÂL). Đặc biệt là các thế hệ học sinh, sinh viên của huyện Tam Nông cứ vào dịp sinh nhật Bác lại tổ chức Lễ Báo công, báo cáo với Bác những thành tích học tập của 01 năm học.
Sau khi tổ chức phần Lễ, huyện tổ chức các hoạt động hội như: tổ chức đêm giao lưu văn nghệ, thi đấu các môn thể thao như: Bóng chuyền da, cầu lông, bóng bàn, kéo co ...
Đảng bộ và nhân dân trong huyện mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ cả về vật chất và tinh thần của toàn thể nhân dân và du khách thập phương để huyện tiếp tục trùng tu lại nhà tưởng niệm, xây dựng các công trình phụ trợ như: nhà truyền thống, nhà khách, quy hoạch lại sân vườn khang trang, sạch đẹp cho tương xứng với công lao của Bác./.