Nữ tướng Thiều Hoa công chúa sinh ngày mùng 02 tháng giêng năm Quý Tỵ, trong một gia đình nông dân nghèo ở động Lăng Xương thuộc huyện Thanh Chương, xứ Hưng Hóa. Lúc thiếu thời bà là người khoẻ mạnh, lanh lợi, hiếu động và hết lòng yêu thương cha mẹ. Khi trưởng thành Bà là một phụ nữ có nhan sắc, được nhiều thanh niên trai tráng, con tù trưởng, tộc trưởng muốn xin hỏi làm vợ nhưng bà đều một mực từ chối. Để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, sau khi cha mẹ qua đời, bà quyết định dời Động Lăng Xương tìm đến cảnh Phật làm nơi tu hành. Qua nhiều nơi bà đến làng Song Quan (nay là xã Hiền Quan) có ngôi chùa Phúc Khánh, nơi đây cảnh quan, đất trời tươi đẹp, đồng khí tương cầu nên bà xin ở lại tu hành.
Đất nước bị bọn giặc Phương Bắc xâm lược, chúng cướp phá, đàn áp, giết hại dân lành. Trước cảnh đau thương đó, Bà vô cùng căm giận, quyết tâm đánh đuổi kẻ thù. Tại đây, bà tìm được nhiều bạn tốt, hàng ngày đến chùa học chữ, đêm về luyện tập võ nghệ, mài chí lớn chờ dịp đứng lên đánh đuổi kẻ thù cứu dân, cứu nước. Từ đó tài năng và dũng khí của bà ngày một song toàn và được mọi người thán phục.
Giữa lúc đó, được tin ở Mê Linh có Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc phương Bắc. Bà vui mừng tìm đến và được yết kiến Hai Bà Trưng, Bà đã được chủ soái chấp nhận, giao nhiệm vụ. Trở lại làng Song Quan, dựng cờ chiêu binh, luyện tập võ nghệ tại Đình làng để chuẩn bị đánh giặc. Khi chiêu mộ được 500 quân sỹ và huấn luyện tinh thông, bà cho mở tiệc đãi binh và thống lĩnh toàn quân tiến về Hát Giang - Mê Linh giúp Hai Bà Trưng đánh giặc, được Hai Bà Trưng phong chức “Tiền Tả Tướng Quân”.
Sau khi thắng giặc, đất nước thái bình, Bà được Hai Bà Trưng phong Tướng và giữ lại ở Mê Linh nhưng bà lạy tạ nhà Vua mà tâu rằng: “Kẻ hạ thần đã nguyện chốn tu hành nên chức trọng, quyền cao nào có ích gì, nếu Bệ Hạ nghĩ tới công lao mà ban thưởng xin Bệ Hạ gia ân cho Thần được thực ấp tại bản địa nơi tu hành là đủ”. Nhà vua rất đỗi khâm phục và phong cho Thiều Hoa là “Đông Cung Công Chúa” và gia ban cho 100 cân vàng, 40 tấm vóc. Bà trở về Song Quan đem tiền Vua ban xây dựng lại Đình, Chùa, tậu ruộng, mua đất chia cho nhân dân và dạy nhân dân làm ăn. Khi Bà thác, lăng mộ của bà được đặt trên bờ sông Hồng, vua phong là “Đức Thánh Mẫu Đại Vương” và cho lập đền thờ tại nơi này.
Lễ hội chính được diễn ra từ ngày 2 tháng Giêng âm lịch tức mồng 2 Tết. Để kỉ niệm ngày sinh của Thiều Hoa, nhân dân địa phương thường tổ chức “Phóng lao duyệt bia” và ngày 12-13 tháng Giêng - ngày khánh hạ kéo quân đánh Phết.
Ngày 2 tháng giêng tổ chức “Phóng lao duyệt bia” đây là môn võ khi xưa bà Thiều Hoa cùng các quân lính thường xuyên luyện tập. Ngày hội “Phóng lao duyệt bia” được bắt đầu đóng đám từ sáng mồng 2 tết, mọi người trong làng nhất là các cụ già náo nức đi duyệt bia- phóng lao. Bia được làm bằng một tấm gỗ dày 3cm, rộng 0m30 dài 1m80 trên tấm bia có vẽ vòng tròn nhất điểm. Sau đó lần lượt từng người đứng xa 10 bước, một tay cầm cây sào bằng sắt lao vào vòng tròn nhất điểm được vẽ trên mặt bia. Nếu ai phóng được mũi lao vào đúng điểm tâm trong vòng tròn trên bia thì người đó đạt giải. Ai chưa phóng trúng thì phải ra tung những hòn đá quậy vào một cái lỗ như đánh đáo để luyện cho nhuần tay sau đó vào phóng tiếp.
Ngày Lễ hội Phết Hiền Quan được tổ chức hàng năm từ ngày 11 đến ngày 13 tháng Giêng. Hội Phết đông vui nhộn nhịp đã thu hút được du khách nhiều nơi về cùng chơi, chẳng thế mà ngày hội của làng Hiền được bay gần lan xa với câu ca “ Mười một là hội Hương Nha, mười hai Gia Dụ, mười ba hội Hiền”.
Hội Phết được diễn ra như sau: Khi tuần tế lễ và đọc tiểu sử của bà Thiều Hoa xong thì tiến hành rước quả Phết, quả Phết được đẽo gọt rất kì công từ củ tre, đòn phết là gốc tre cong khoằm kiểu guốc võng, có cán là thân cây tre liền gốc, đòn Phết dài khoảng 1m50. Lễ rước quả Phết được tổ chức long trọng, người giữ quả Phết phải là người trong sạch, gia đình trong năm ấy không có tang tóc, con cái đề huề. Chiều 12/Giêng “Sơ tập đả quân” dân làng già trẻ gái trai cùng nhau ra tụ tập ở ngoài bãi Phết. Sáng 13/Giêng chính hội “Điểm binh kì pháp”. Ông thủ phết đọc bài hò trong thời gian chừng 5 đến 7 phút, khi hò xong thủ Phết tung tung quả Phết trên tay mấy lần rồi tung xuống hố (Còn gọi là Lò Phết). Hố phết sâu chừng 50-70cm đường kính rộng chừng 60cm. Khi quả phết đã nằm trong hố ấy là lúc cuộc thi bắt đầu.
Các đấu thủ cầm dùi phết đua nhau chen vào moi quả phết ở dưới hố lên còn mọi người đứng vây quang hố phết đông như nêm cối. Cùng với tiếng chiêng trống là những tiếng “cốp cốp” của các dùi phết va vào nhau. Khi quả phết đã được moi dưới hố lên thì mọi người đua nhau dùng sức lực của mình vào cướp phết ném về phía phe của mình đang đứng. Khi phết đã gần về phía đích của phe nào đó trong làng thì cả biển người đổ xô về hướng đó. Tiếng reo hò vang động như sóng dậy triều dâng át cả tiếng chiêng trống bên ngoài với lệ chơi đã được quy định. Nếu ai cướp được quả phết mà không có người nào đuổi theo hoặc có người đuổi theo nhưng không chạm vào người cầm quả phết thì được coi là thắng cuộc; người nào phe nào giành được phết thì năm đó được coi là năm may mắn với họ.
Hội Phết Hiền Quan đã trở thành truyền thống thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc với lòng dũng cảm, mưu trí nhanh nhẹn linh hoạt trong thời chiến cũng như trong thời bình. Hội phết diễn tả lại cảnh luyện tập võ nghệ thuở xưa cái khí thế hào hùng của dân tộc ta được thể hiện trong suốt quá trình dựng và giữ nước những năm đầu công nguyên. Hội làng nói chung và hội phết Hiền Quan nói riêng ngoài ý nghĩa để mọi người cùng nhau tưởng nhớ những vị anh hùng có công trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, nó còn phản ánh mặt nào đó triết lí “Sinh vi danh tướng, tử vi thần” mang đậm đời sống tâm linh của không chỉ một vùng quê mà nó thể hiện quốc hồn quốc tuý của bản sắc dân tộc Việt Nam. Hơn thế, bài hò phết còn có tác dụng cổ vũ tinh thần đoàn kết chiến đấu cuả thế hệ cha ông truyền lại cho đời sau nhằm giữ gìn và tạo ra luồng sinh khí mới cho thế hệ hôm nay trong công cuộc giữ gìn và dựng xây đất nước tươi đẹp. Hội phết Hiền Quan còn là môn thể thao có tính văn hóa cao ảnh hưởng trực tiếp đến nhân dân trong việc bồi dưỡng thể lực, trí lực cho con người. Lễ hội diễn ra nhằm cầu bình an, mùa màng bội thu và cầu cho gia đình luôn luôn dồi dào sức khoẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với những ý nghĩa trên, lễ hội như một nhu cầu thiết yếu cần phải có trong xã hội hiện đại. Lễ hội đáp ứng tâm thức trở về cội nguồn tự nhiên của con người nhưng đồng thời là cội nguồn lịch sử của dân tộc. Hầu hết các lễ hội đều có liên quan đến thần linh, đến các anh hùng dân tộc, đến những người có công với nước. Và càng tiến xa về xã hội hiện đại, con người lại càng thức tỉnh về cội nguồn. Con người càng hiện đại bao nhiêu thì cuối cùng là càng có nhu cầu mãnh liệt bấy nhiêu. Bởi vì, con người luôn luôn có câu hỏi “Mình là ai? Mình từ đâu ra?” thì lễ hội chính là dịp đưa con người trở về với cội nguồn. Đồng thời, lễ hội đáp ứng nhu cầu cộng đồng. Chúng ta không thể sống thiếu cộng đồng, gia đình, làng xóm,…Ở đây ý nghĩa cộng đồng còn có yếu tố sâu xa nữa là xuất phát điểm của con người là từ con vật mà yếu tố bản thân của con vật là cuộc sống bầy đàn. Nó phản ánh nhu cầu trong xã hội hiện đại con người đôi khi cảm thấy bị tách biệt, bị cô đơn, lúc đó cần phải có những thay đổi để tập hợp lại. Con người ngoài đời sống vật chất, ăn mặc, ở, đời sống tinh thần thì còn có đời sống tâm linh, một đời sống mờ ảo không được chu chỉnh hoá để cân bằng lại đời sống xã hội. Đó chính là đời sống tín ngưỡng trong đó có lễ hội. Lễ hội chính là cực điểm của bầu không khí tâm linh của làng xã, người ta đắm mình trong đó. Chính lễ hội là điểm quy tụ đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của con người và khi tham gia vào các lễ hội thì chính con người đã được giải toả. Tuy nhiên xét về thực chất thì lễ hội là cuộc sống được tái hiện dưới hình thức một trò diễn. Đó là cuộc sống thường nhật của nhân dân vừa làm vừa đánh giặc. Lễ hội phát triển đa dạng, phong phú là điều đáng mừng thể hiện cho quan điểm lãnh đạo của Đảng “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Đó cũng là điểm đến của các lễ hội trong huyện Tam Nông nói chung và lễ hội Phết Hiền Quan nói riêng.
Nguyễn Hữu Thanh - Sưu tầm - Nguồn: Di tích lịch sử tỉnh Phú Thọ