
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Xóm Đồi xã Cổ Tiết - huyện Tam Nông có giá trị đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn, được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia năm 1995.
Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trên đường di chuyển từ Thủ đô Hà Nội trở lại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân trên đất Phú Thọ gần 1 tháng, tại 3 địa điểm: Xã Cổ Tiết - huyện Tam Nông; xã Chu Hóa - thành phố Việt Trì và xã Yên Kiện - huyện Đoan Hùng. Tại xã Cổ Tiết, Hồ Chủ Tịch đã ở tại hai địa điểm: Nhà ông Nguyễn Liên (đồn điền Ba Triệu) và nhà ông Hoàng Văn Nguyện (xóm Đồi).
Trong thời gian 15 ngày ở và làm việc tại Xóm Đồi xã Cổ Tiết, từ sáng ngày 4/3 đến chiều tối ngày 18/3/1947, Người theo dõi tin tức chiến sự, báo chí, gặp và làm việc với các đồng chí trong Bộ Chính trị, Hội đồng Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh. Người đã trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc từ những việc nhỏ như sơ tán, đến những việc lớn như chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn diện, lâu dài, hoạch định chiến lược, sách lược đối với Chính phủ và nhân dân Pháp. Trong thời gian ở Cổ Tiết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng bí danh là “Xuân” trong các giấy tờ giao dịch. Vì để đảm bảo tuyệt đối bí mật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều làm việc tại nhà, không có các cuộc tiếp xúc rộng rãi, khi cần đi đâu Người đều cải trang kỹ càng. Tại Cổ Tiết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo và công bố nhiều văn kiện, Sắc lệnh, thư điện, tài liệu....Cũng tại xã Cổ Tiết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt tên cho các chiến sỹ trong đội tuyên truyền vũ trang cùng đi với Người, là: “Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi”.
Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Cổ Tiết có ý nghĩa rất quan trọng trong hệ thống các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phú Thọ. Đây là một trong những di tích ghi dấu hoạt động chỉ đạo Cách mạng của Vị lãnh tụ tối cao của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ, gắn liền với những tài liệu, những bài viết quan trọng của Người, có ý nghĩa chỉ ra phương hướng, sách lược, đường lối, chủ trương cho Cách mạng Việt Nam, những Sắc lệnh Người ký thành lập hệ thống bộ máy Nhà nước, công bố những luật lệ quan trọng, ban bố những quyết định lớn quan hệ đến quốc tế, dân sinh. Nghiên cứu về di tích, chúng ta hiểu thêm về hành trình gian nan vất vả trở lại chiến khu Việt Bắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; hiểu được vai trò chỉ đạo của Người đối với cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc; học tập tác phong giản dị, gần gũi với đồng bào của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cộng sự gần gũi của Người; hiểu được trận địa lòng dân bao la, rộng lớn chính là căn cứ an toàn nhất, hiệu quả nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Di tích có ý nghĩa quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống, khoa học và phục vụ tích cực cho việc nghiên cứu, tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hiện nay, địa điểm di tích tại nhà ông Hoàng Văn Nguyện (Xóm Đồi) đã được quy hoạch thành khu di tích rộng khoảng hơn 01 ha. Trong khu di tích còn một di tích nguyên gốc là cây thị khoảng gần 80 năm tuổi ở góc vườn, nơi Hồ Chủ Tịch thường lấy cành thị làm xà tập thể dục vào buổi sáng trong thời gian Người ở đây. Trong những năm qua, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo, quy hoạch, xây dựng một số hạng mục công trình: Nhà tưởng niệm, nhà lưu niệm, hầm trú ẩn, sân vườn, đường đi...tạo cho di tích ngày một khang trang, xứng tầm với giá trị lịch sử của một di tích đứng đầu trong hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Tổ Phú Thọ, đáp ứng yêu cầu phát huy giá trị của di tích, đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, tôn vinh công lao sự nghiệp giữ nước vĩ đại của Hồ Chủ Tịch, của Đảng và nhân dân ta. Di tích là nơi thường xuyên tổ chức lễ dâng hương, báo công, tuyên truyền thân thế, sự nghiệp, ghi nhớ công ơn của Hồ Chủ Tịch; nơi diễn ra các hoạt động văn hoá chính trị có ý nghĩa sâu sắc của Đảng bộ, nhân dân xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, góp phần quan trọng nhiệm vụ nghiên cứu, tuyên truyền và học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống Cách mạng cho các thế hệ mai sau.
Hàng năm, vào khoảng thời gian từ ngày 4 đến ngày 18/3, lễ hội kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc tại xã Cổ Tiết được tổ chức theo truyền thống văn hóa dân tộc, với sự tham gia đầy đủ của các cấp, các ngành của tỉnh Phú Thọ và các địa phương trong tỉnh. Nội dung lễ hội kỷ niệm ngày Bác Hồ về Cổ Tiết trong thời kỳ hiện đại vẫn được tổ chức theo truyền thống, chủ yếu gồm hai phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm tại nhà tưởng niệm, với nghi thức dâng hương, hoa, báo công của các đoàn đại biểu Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân, thanh thiếu niên, nhi đồng... thắp một nén nhang trước anh linh của Người với tình cảm xúc động, trân trọng, thiêng liêng, biết ơn sâu sắc, như muốn thưa với Bác rằng: Các thế hệ hôm nay tiếp tục kế tục truyền thống tốt đẹp thời đại các Vua Hùng, thời đại Hồ Chí Minh, cùng nhau thực hiện di huấn của Người, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu và cầu mong anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng vẫn dõi theo, phù hộ cho dân tộc, đồng bào một cuộc sống ấm no như Người hằng mong ước. Sau đó, mọi người đi thăm nhà lưu niệm, nơi lưu giữ và trưng bày các kỷ vật về Hồ Chủ Tịch ở Cổ Tiết, những hình ảnh về những lần Người đến thăm và làm việc với Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ; thăm các dấu tích trong khu di tích...để cảm nhận và hiểu hơn về Người, về mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng - Bác Hồ - nhân dân.
Phần hội diễn ra tưng bừng, náo nhiệt quanh khu di tích, nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa được tổ chức chu đáo, với các trò chơi văn hóa dân gian truyền thống, như: Chọi gà, đánh cờ tướng, đấu vật, kéo co...và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như: Hội diễn nghệ thuật quần chúng, trưng bày báo tường, thi đấu bóng chuyền, bóng đá... Hàng năm, lễ hội kỷ niệm đã trở thành hoạt truyền thống không thể thiếu được trong cuộc sống văn hóa tinh thần của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Ghi dấu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếp nối truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ người Việt Nam hôm nay đối với Hồ Chủ Tịch đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc ghi dấu và tôn tạo ấy mang dấu ấn thế kỷ XXI nhưng luôn luôn tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc, tôn vinh sự nghiệp Cách mạng vĩ đại của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dòng chảy vĩnh cửu của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Để tưởng nhớ và tri ân với công lao to lớn của Bác, hàng năm cứ vào dịp ngày sinh của Bác (ngày 19/5), Huyện ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ cùng toàn thể các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội; các thầy, cô giáo cùng toàn thể các cháu học sinh tiêu biểu của huyện tổ chức lễ dâng hương, báo công với Bác những thành tích trong những ngày đầu của năm và kết quả học tập của các cháu học sinh trong năm học, đồng thời kính dâng lên Bác những tình cảm tốt đẹp nhất.
Lê Thoa - Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ